Tạo việc làm, trao hy vọng cho người khuyết tật

Với mong muốn giúp người khuyết tật (NKT) xóa bỏ mặc cảm tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã “mở lối” cho NKT thông qua công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Nỗ lực “trao cần câu”

Không có đôi mắt sáng, hơn ai hết, chị Nguyễn Thị Lan, xã Bắc Phong, (Thuận Bắc) hiểu rõ những âu lo, trăn trở và nhất là niềm vui khi có cái nghề trong tay. Vì vậy vượt qua những khó khăn, chị tham gia đều đặn lớp đào tạo nghề xoa bóp, bấm huyệt do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Đến nay, chị đã trở thành kỹ thuật viên lành nghề, tự tin tìm cơ hội cho mình ở địa phương khác. Chị chia sẻ: Nếu không có nghề do Hội Người mù tỉnh đào tạo, chắc tôi khó vươn lên.

Với sự chung tay của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác giải quyết việc làm, bản thân những NKT cũng đã quyết tâm vượt qua khó khăn, mạnh dạn bước ra bốn bức tường nhà để đi học nghề. Đơn cử như anh Phạm Văn Phụng, xã Thanh Hải (Ninh Hải) dù khiếm thị nhưng vẫn khát khao một công việc để bước ra xã hội. Vốn có niềm đam mê với âm nhạc, anh tự mày mò học đàn ghi ta, mưu sinh bằng nghề hát rong ở TP. Hồ Chí Minh. Đến thời hát rong gặp khó, anh trở về quê “loay hoay” tìm thầy học nhạc lễ, như: Đàn bầu, đàn cò, đàn nguyệt, thổi sáo… Sau 3 năm, anh thành lập ban nhạc riêng phục vụ tang lễ ở địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, các nhạc cụ hư hỏng không đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Sẻ chia với hoàn cảnh của anh, Hội Người mù tỉnh kết nối đưa anh đến thử sức chương trình “Thần tài gõ cửa”. Vượt qua các thử thách mà chương trình đưa ra, anh đã mang về 41 triệu đồng trong niềm hân hoan, vui sướng. Từ số tiền đó anh mua sắm thêm nhạc cụ, phục vụ âm nhạc cho tang lễ. Với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng, anh Phụng dần vơi đi nỗi mặc cảm, tự ti về bản thân.

Hội Người mù tỉnh dạy chữ Braille cho hội viên.

Anh Nguyễn Văn Rắc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Giải quyết việc làm cho NKT, trong đó có người mù là việc làm hết sức ý nghĩa của các tổ chức xã hội. Thông qua lao động và giải quyết việc làm vừa giúp người mù có thu nhập, vừa giúp họ xóa bỏ mặc cảm tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ngoài việc chủ động kết nối, trợ giúp hội viên có công việc phù hợp với khả năng, Hội còn vận động, khuyến khích hội viên tham gia học nghề massage; học chữ Braille, tranh thủ các nguồn lực tạo sinh kế bền vững cho hội viên. Trong năm qua, Hội Người mù tỉnh đã mở ra cơ hội giúp 8 hội viên có công việc ổn định, thu nhập khoảng 2,8 đến 3,5 triệu đồng/tháng.

Đôi khi một sự giúp đỡ dù là rất nhỏ cũng đủ để thắp lên niềm tin, giúp NKT có thêm động lực để vươn về phía trước. Nhờ trao những “cần câu” đúng lúc giúp công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT phát huy hiệu quả.

Còn nhiều “rào cản”

Từ câu chuyện của anh Phạm Văn Phụng, chị Nguyễn Thị Lan, có thể thấy, công tác dạy nghề, tạo việc làm đóng vai trò rất quan trọng, giúp NKT vượt lên số phận, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Nhờ có nghề mà nhiều NKT không chỉ nuôi sống bản thân mà còn lo được cho gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, so với số lượng NKT trên địa bàn, tỉ lệ NKT có việc làm vẫn còn ít. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NKT khó tìm được việc làm, nhưng chủ yếu do hạn chế về sức khỏe, điều kiện đi lại, giao tiếp khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp (DN) không muốn tiếp nhận NKT vào làm vì sợ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Một số NKT có tâm lý e ngại, thiếu tự tin nên không chủ động tìm việc làm để hòa nhập cộng đồng. Một số NKT tự khởi nghiệp bằng hình thức kinh doanh nhỏ nhưng thường thiếu ổn định, hiệu quả không cao.

Để hỗ trợ việc làm cho NKT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục vận động các DN tuyển dụng NKT; khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề theo từng dạng khuyết tật để dạy nghề phù hợp, kết hợp đào tạo theo hướng vừa học vừa làm hoặc liên kết với DN tạo việc làm bền vững cho NKT. Riêng trong năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khảo sát được 26 đối tượng NKT có nhu cầu học nghề, chiếm 0,34% nhu cầu của toàn tỉnh. Chính quyền các địa phương cần khuyến khích các DN đóng chân trên địa bàn đón nhận NKT vào làm việc, tạo cơ hội cho những người yếu thế dựa trên những chính sách hiện hành.