Bức tranh ảm đạm của thị trường năng lượng toàn cầu

Theo nhận định của giới phân tích, châu Âu trong năm 2022 đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng, nhiều doanh nghiệp đóng cửa và kinh tế suy thoái. Tình trạng bất ổn trên thị trường năng lượng dự đoán sẽ còn kéo dài do nhiều yếu tố như xung đột địa chính trị, sự nóng lên toàn cầu và biến động của tỷ giá hối đoái.

Theo cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chênh lệch cung cầu khí đốt của châu Âu năm 2023 dự kiến lên tới 27 tỷ m3, chiếm khoảng 6,8% nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên của Lục địa già. Giá nhiên liệu sẽ vẫn ở mức cao với tình trạng nguồn cung bị thắt chặt, trừ khi có sự thay đổi trong tình hình địa chính trị và cán cân cung cầu toàn cầu. Trước đó, báo cáo thị trường dầu mỏ hồi tháng 12/2022 của IEA dự báo rằng quý III/2023 sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt dầu thô nghiêm trọng và có thể lại có một đợt tăng giá mới.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự đoán giá năng lượng sẽ giảm 11% vào năm 2023 và tiếp tục giảm 12% vào năm 2024 nhưng sẽ vẫn cao hơn 50% so với mức trung bình của 5 năm trở lại đây (từ 2020-2024). Công ty phân tích năng lượng và hàng hoá S&P Global Commodity Insights (Mỹ) thì nhận định rằng mặc dù giá khí đốt tự nhiên, than đá và dầu thô dự kiến sẽ giảm trong năm 2023, song thị trường năng lượng và khí đốt ở châu Âu có thể bị thắt chặt hơn vào năm 2023. Với giá khí đốt tự nhiên dự kiến sẽ vẫn ở mức tương đối cao so với trung bình của nhiều năm, nhiều khả năng các chính phủ sẽ đặt trọng tâm vào cải cách cơ cấu thị trường điện của châu Âu để làm suy yếu mối liên hệ giữa giá khí đốt và giá điện trong năm 2023.

Xa hơn năm 2023 là trong những năm tới, giới quan sát cho rằng nguồn cung năng lượng toàn cầu sẽ còn bấp bênh hơn, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu ngắn hạn sẽ thường xuyên xảy ra. Nga có thể vẫn bị hạn chế sản xuất và xuất khẩu dầu thô và khí đốt. Vì mục tiêu trung hoà carbon, các nước sẽ ít đầu tư vào khai thác nhiên liệu hóa thạch hơn mà chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo.

Thực tế cho thấy, thị trường năng lượng thế giới đang rơi vào tình trạng bấp bênh. Từ ngày 5/12/2022, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với nguồn cung dầu ngoài khơi từ Nga (như dầu diesel, xăng và nhiên liệu cho máy bay phản lực) đã có hiệu lực. Biện pháp cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực cùng lúc với biện pháp áp giá trần các sản phẩm này mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra, qua đó mở rộng lệnh cấm các hoạt động vận chuyển dầu Nga bằng đường biển vốn có hiệu lực từ tháng 12/2022. Điện Kremlin đánh giá lệnh cấm vận của phương Tây đối với việc cung cấp các sản phẩm xăng dầu của Nga là một quyết định tiêu cực, có thể dẫn đến sự mất cân bằng hơn nữa trên thị trường năng lượng thế giới.

Các nhà phân tích cho rằng biện pháp cấm vận của EU có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng lạm phát trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời gây thêm nguy cơ suy thoái cho nền kinh tế thế giới. Giá dầu diesel vốn đã tăng cao kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát gần 1 năm trước, được dự báo có thể tiếp tục tăng sau động thái mới của EU. Nguồn cung từ Nga bị hạn chế, châu Âu phải tăng nhập khẩu dầu diesel từ châu Á và Trung Đông. Tuy nhiên, quãng đường vận chuyển dài hơn và nhu cầu cao hơn đối với các tàu chở dầu nhiên liệu vào châu Âu, đồng nghĩa với việc giá cước vận chuyển đang tăng lên, làm tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng. Hơn nữa, nhiều khả năng nguồn cung dầu năm 2023 không đáp ứng đủ nhu cầu khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và các đối tác (OPEC+) vẫn giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng. Lệnh cấm của EU cũng làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng chuỗi cung ứng có thể gián đoạn. Nhiều nhà phân tích cảnh báo lệnh cấm của EU có thể sẽ gây ra nhiều gián đoạn hơn so với biện pháp cấm dầu thô trước đó và các thị trường sẽ thêm hoảng loạn.

Giữa bối cảnh trên, tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ) kêu gọi các quốc gia châu Âu chi tiêu có mục tiêu hơn nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo Bruegel, châu Âu đến nay đã chi gần 800 tỷ euro (854 tỷ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chi trả hóa đơn năng lượng tăng vọt. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, là nước chi nhiều nhất cho các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, với gần 270 tỷ euro. Tiếp đến là Anh, Italy và Pháp, mỗi nước chi khoảng 150 tỷ euro. Theo Bruegel, chính phủ các nước EU hiện chủ yếu tập trung vào các biện pháp hỗ trợ không có mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu hoặc áp mức trần giá điện bán lẻ. EU phải cần thay đổi hướng tiếp cận, thay vì đưa ra các biện pháp trợ giá mà trên thực tế là trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, các chính phủ EU cần bổ sung các chính sách hỗ trợ thu nhập.

Theo TTXVN