Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố

Hướng tới nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác nho ứng dụng công nghệ cao

Từ năm 2017 đến nay, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố) triển khai thực hiện 21 nhiệm vụ khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh; trong đó, đáng kể là nghiên cứu giống mới, hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác nho ứng dụng công nghệ cao đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nho.

Xác định nho là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, Viện Nha Hố đã và đang thực hiện các hoạt động thu thập, bảo tồn và khai thác nguồn gen cây nho. Trong đó, tập trung xây dựng vườn bảo tồn quỹ gen cây nho với diện tích 1 ha. Tổng số mẫu lưu giữ là 130 mẫu giống nho ăn tươi; 40 mẫu giống nho rượu; 31 mẫu giống nho không hạt; 9 mẫu giống nho gốc ghép. Ngoài ra, Viện Nha Hố cũng đang xây dựng vườn cây đầu dòng với diện tích 0,45 ha cho 3 mẫu giống nho ăn tươi, 2 mẫu giống nho rượu, 2 mẫu giống nho không hạt và 1 mẫu giống nho gốc ghép.

Từ kết quả của hoạt động thu thập, bảo quản nguồn gen, Viện cũng đã giới thiệu một số giống nho có triển vọng để đưa vào phát triển; trong đó, có 3 mẫu giống nho ăn tươi (NH01-152, NH01-16, NH01-96), 2 mẫu giống nho chế biến rượu (NH02-97 và NH02-137) và 1 mẫu giống nho không hạt (NH04-102). Đến nay, Viện Nha Hố đã công bố lưu hành cho 2 giống nho mới (NH01-152 và NH02-97) phục vụ sản xuất tại Ninh Thuận có hiệu quả.

Bên cạnh công tác lai tạo giống mới, Viện Nha Hố cũng có nhiều cố gắng trong nghiên cứu kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật được áp dụng vào sản xuất nho có hiệu quả, theo hướng an toàn và bền vững. Cụ thể, Viện Nha Hố đã xây dựng quy trình kỹ thuật cho các giống nho phù hợp cho sản xuất rượu vang đỏ (NH02-97, NH02-137) và rượu vang trắng (NH02-37, NH02-66), xác định điểm thu hoạch thích hợp cũng như xây dựng được quy trình công nghệ lên men phù hợp. Bên cạnh đó, Viện Nha Hố còn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nho ăn tươi như: Thiết kế nhà màng có mái nilon che mưa, cải tiến kiểu giàn nho, điều khiển khí hậu và quản lý sâu bệnh, dinh dưỡng bằng công nghệ tự động và bán tự động... đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro tổn thất trong quá trình thu hoạch, đặc biệt là trong điều kiện mưa nhiều do tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng được quy trình thâm canh cho giống nho NH01-152, NH04-61, NH04-128 và mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng VietGAP. Đối với giống nho NH01-152 đã hình thành các khu sản xuất tập trung năng suất đạt từ 25-30 tấn/ha/năm.

Mô hình trồng giống nho NH01-152 trong nhà màng tại hộ anh Nguyễn Đình Trí ở thôn Láng Ngựa,
xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).

Anh Nguyễn Đình Trí ở thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) được Viện Nha Hố hỗ trợ thực hiện mô hình trồng giống nho NH01-152 trong nhà màng với diện tích 2,5 sào. Vườn nho được thiết kế với các trụ sắt đỡ khung mái che cao 3,2 m, xung quanh phủ màn lưới tùy chỉnh bằng hệ thống kéo bán tự động, kết hợp lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động và bón phân hữu cơ. Anh Trí cho biết: Từ khi áp dụng trồng nho trong nhà màng có mái che giúp ngăn được mưa, gió, sương, hạn chế tình trạng sâu bệnh gây hại nên ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ điều kiện môi trường thuận lợi, giống nho mới sinh trưởng và phát triển tốt, cây dễ ra bông đậu quả, có thể thu hoạch 2-3 vụ/năm mà không lo ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Trồng nho trong nhà màng cho trái chín đều, chất lượng quả đảm bảo, đầu ra sản phẩm ổn định, nho được các thương lái thu mua tại vườn với giá từ 120.000-140.000 đồng/kg.

Ông Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nha Hố, cho biết: Thời gian tới, Viện tập trung công tác tuyển chọn giống nho ăn tươi cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu được bệnh thán thư, mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, góp phần phục vụ phát triển bền vững sản phẩm đặc thù của tỉnh. Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến kết hợp cơ giới hóa, tự động hóa nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nho, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%, góp phần thúc đẩy sản xuất nho ăn tươi. Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất nho ứng dụng công nghệ tiên tiến và chế biến nho NH01-26 gắn với phát triển du lịch tại Ninh Thuận. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, nguy cơ dịch hại, sâu bệnh ngày càng trở nên rõ ràng hơn đối với sản xuất nông nghiệp, Viện cũng sẽ tiếp tục phát triển các nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, trọng tâm nghiên cứu và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây nho và một số loại cây trồng chủ lực khác.