Ông Emmanuel Okogbenin, người phụ trách hoạt động thương mại hóa và phát triển chương trình tại Quỹ Công nghệ nông nghiệp châu Phi (AATF), nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra tại châu Phi cùng với tình trạng đất bạc màu và sự lây lan của các loại sâu bệnh. Điều này đòi hỏi người nông dân phải chuyển từ các giống lúa thông thường sang các giống lúa cải tiến. Ông lưu ý việc đưa vào canh tác các giống lúa cải tiến với năng suất cao và khả năng thích nghi với các hệ sinh thái sẽ giúp tăng cường an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn tại châu Phi.
Người tị nạn nhận lương thực cứu trợ tại Gondar, Ethiopia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
AATF đã đưa vào canh tác thử nghiệm giống lúa lai tại miền Trung Kenya để đánh giá khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sâu, bệnh xâm nhập. Theo ông Okogbenin, giống lúa lai được trồng ở quy mô hộ gia đình nhỏ tại đây có năng suất cao gấp đôi, góp phần nâng cao vị thế kinh tế-xã hội của người nông dân.
Tương tự, bà Sheila Ochugboju, Giám đốc Điều hành của Liên minh Khoa học, đã kêu gọi các chính phủ, tổ chức nghiên cứu và ngành công nghiệp châu Phi tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giống lúa cải tiến cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, như một phần trong chương trình giúp ngành nông nghiệp thích ứng với khí hậu. Lúa lai không chỉ thích ứng tốt với khí hậu mà còn giàu dinh dưỡng, thích hợp để giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng ngày càng gia tăng ở trẻ em châu Phi.
Theo đó, bà Ochugboju đề xuất các dịch vụ khuyến nông ở châu Phi nên được cải tiến để giúp nông dân tiếp cận thông tin, hạt giống cải tiến, phân bón và các cơ sở bảo quản hiện đại sau thu hoạch. Để thúc đẩy việc đưa vào canh tác lúa lai nhiều hơn tại châu Phi, chính phủ các nước cần tạo điều kiện về chính sách và quy định, tích cực đào tạo nông dân và đầu tư vào các cơ sở bảo quản hiện đại.
Theo TTXVN/Báo Tin tức