Những di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở Ninh Thuận

Ninh Thuận được biết đến là nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa (DSVH) của các dân tộc. Mỗi dân tộc mang đậm nét giá trị văn hóa riêng đã góp phần tạo nên văn hóa vùng đất Ninh Thuận phong phú và đa dạng... Ngoài ra, Ninh Thuận còn là vùng đất đầy nắng gió, thiên nhiên Ninh Thuận là một bức tranh hài hòa giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả, tạo nên vẻ đẹp riêng có của vùng đất này.

Là một trong 21 tỉnh có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5/12/2013. Nghệ thuật làm gốm Chăm Bàu Trúc vinh dự được UNESCO chính thức ghi danh vào Danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022. Đây là làng nghề làm gốm cổ nhất khu vực Đông Nam Á. Điều làm nên sự khác biệt của nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc là cách làm gốm không sử dụng đến thiết bị bàn xoay, bằng đôi bàn tay tài hoa của phụ nữ Chăm; mỗi sản phẩm gốm luôn là độc bản, mang vẻ đẹp riêng, mộc mạc và giản dị, tùy vào cảm xúc của người nặn gốm.

Vịnh Vĩnh Hy nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa,
xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Thái Huy

Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại kỳ họp diễn ra từ ngày 13 đến 17/9/2021; tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai là một trong những tháp Chăm có niên đại sớm và mang giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc đồ sộ, nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, đặc sắc. Đây là kiệt tác tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của nghệ thuật điêu khắc Chăm từ cuối thế kỷ VIII đến thế kỷ XIV. Chính từ những giá trị đặc biệt trên, tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 22/12/2016. Vịnh Vĩnh Hy là một trong tám vịnh đẹp nhất Việt Nam, thuộc xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Là một quần thể thiên nhiên xinh đẹp, hoang sơ với 3 mặt là rừng núi bạt ngàn bao bọc và một mặt là biển cả mênh mông. Ngày 7/1/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận vịnh Vĩnh Hy là Danh lam thắng cảnh quốc gia. Lễ hội Katê được tổ chức vào mùng 1 tháng 7 (Chăm lịch). Katê là lễ hội lớn của cộng đồng Chăm theo đạo Bàlamôn diễn ra trên một không gian rộng lớn từ đền tháp, làng (Palei), gia đình (mângawom). Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận được công nhận đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia vào ngày 20/6/2017. Làng Bỉnh Nghĩa, thuộc xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) là địa phương còn bảo lưu nhiều DSVH truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của dân tộc Chăm. Nghi lễ đầu năm là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Chăm ở làng Bỉnh Nghĩa, tạo thành dòng chảy lễ hội Chăm phong phú và đa dạng. Nghi lễ đầu năm của người Chăm ở làng Bỉnh Nghĩa, được công nhận đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia vào ngày 3/2/2021.

Lễ hội Cầu Ngư gắn liền với tục thờ cá Ông (cá Voi), đã có từ lâu đời của ngư dân vùng biển trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để ngư dân thể hiện sự biết ơn đối với thần Nam Hải, vị thần luôn giúp đỡ ngư dân trong lúc hoạn nạn trên biển và cầu mong trời yên biển lặng, thuyền bè ra khơi thuận lợi. Lễ hội Cầu Ngư tỉnh Ninh Thuận là nét đẹp văn hóa đặc sắc, được công nhận đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia vào ngày 20/12/2019. Lễ Bỏ mả của người Raglai thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người chết, sự đền ơn đáp nghĩa công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ, biểu hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt. Lễ Bỏ mả của người Raglai được công nhận đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia vào ngày 30/10/2018.

Tính đến nay, Ninh Thuận có 2 DSVH phi vật thể được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp, 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia, 1 danh lam thắng cảnh quốc gia, 4 DSVH phi vật được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, 47 di tích, DSVH được xếp hạng cấp tỉnh.