Tín dụng tăng trưởng, tạo đà nền kinh tế phục hồi & phát triển

Trong năm 2022, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã bám sát nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, để tập trung chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Theo Chi nhánh NHNN tỉnh, tính đến cuối năm 2022, tổng huy động vốn trên địa bàn đạt 20.874 tỷ đồng, tăng 2.237 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm trước, bằng 100% so với kế hoạch đề ra, đáp ứng khoảng 56,42% nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD). Các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả, bền vững đi đôi với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN và của tỉnh.

Một góc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận được đầu tư hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ

Qua thống kê, tổng doanh số cho vay đạt 57.606 tỷ đồng, tăng 931 tỷ đồng, tăng 1,64% so với năm 2021. Dư nợ cho vay đạt 36.500 tỷ đồng, tăng 3.164 tỷ đồng, tăng 9,49%, đạt 95,2% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 14.020 tỷ đồng, với 132.000 lượt khách hàng; cho vay theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với 47 xã, đạt 7.335 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 600 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đạt 6.350 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 1.300 tỷ đồng; cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đạt 330 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lũy kế từ đầu chương trình đạt 109,635 tỷ đồng... Qua đó cho thấy dòng vốn tín dụng đã đi đúng hướng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất trọng điểm và các thế mạnh của tỉnh; đồng thời cũng thấy rõ nền kinh tế của tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là một trong những hoạt động nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Đây là nỗ lực lớn của các TCTD, đã đề ra các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đã được kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho khách hàng trong trả nợ vay ngân hàng, tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh. Đến nay, số dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh 9.761 tỷ đồng. Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 443 khách hàng với tổng giá trị nợ 551 tỷ đồng. Số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 104 tỷ đồng/52 khách hàng. Miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay, với tổng giá trị 56 tỷ đồng, đối với 110 khách hàng. Ngoài ra, đồng hành cùng DN để đầu tư phục hồi và mở rộng sản xuất, các TCTD đã cho vay mới với doanh số đạt 23.847 tỷ đồng.

Chi nhánh Vietinbank Ninh Thuận đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Ảnh: P.B

Bên cạnh đó, các TCTD cũng thực hiện điều chỉnh giảm dần các mức lãi suất cho vay, miễn, giảm các loại phí giao dịch để góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Cụ thể, các TCTD đã giảm mức lãi suất cho vay đối với các khoản vay từ 0,5%-1,5% đối với khách hàng DN và từ 0,5%-1% đối với khách hàng cá nhân. Đối với những khoản cho vay mới, một số ngân hàng đã áp dụng các gói, chương trình vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cùng với đó, chương trình kết nối ngân hàng - DN tiếp tục được Chi nhánh NHNN tỉnh triển khai hiệu quả, với 1.150 DN có quan hệ tín dụng với các ngân hàng và tổng doanh số cho vay mới đạt 11.345 tỷ đồng, chiếm 31,1% dư nợ cho vay của các TCTD.

Song song đó, trong hoạt động nghiệp vụ, công tác chuyển đổi số cũng được Chi nhánh NHNN tỉnh quan tâm chỉ đạo, các dịch vụ thanh toán điện tử phát triển mạnh, các dịch vụ không ngừng mở rộng cả về số lượng và chất lượng với nhiều tiện ích. Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các TCTD quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tính đến cuối năm 2022, lượng thẻ thanh toán các TCTD trên địa bàn tỉnh đang lưu hành đạt 450.000 thẻ, tăng 61.000 thẻ, tăng 15,7% so với cuối năm 2021. Trong đó thẻ nội địa 396.000 thẻ, chiếm 88%; thẻ quốc tế đạt 54.000 thẻ, chiếm 12%. Hiện trên địa bàn có 97 máy ATM và 537 máy chấp nhận thanh toán thẻ POS được lắp đặt và kết nối liên thông. Doanh số thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước đạt 241.515 tỷ đồng/8.586.082 món, chiếm 56,4% trong tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng, tăng 63.515 tỷ đồng, tăng 35,7% và tăng 1.989.497 món so với năm 2021..., thể hiện sự linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Trong năm 2023, với quyết tâm khắc phục khó khăn, ngành Ngân hàng tỉnh phấn đấu huy động vốn tăng tối thiểu 12%; đầu tư tín dụng tăng 10-12% với lãi suất hợp lý; cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng của ngành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; phấn đấu tỷ lệ nợ xấu còn dưới 3%.

Nông dân huyện Ninh Hải đầu tư phát triển mô hình sản xuất từ vốn tín dụng ưu đãi.Ảnh: V.M

Để đạt mục tiêu đề ra, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, cho biết: Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tích cực triển khai các giải pháp huy động vốn tại chỗ trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất của NHNN, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương cho phát triển kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh các giải pháp mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN theo chiều sâu, gắn với triển khai các cơ chế chính sách, tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm và có thế mạnh của tỉnh. Chỉ đạo các TCTD và phối hợp với các sở, ngành tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh và triển khai đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, linh hoạt chính sách tiền tệ để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành đã đề ra trong năm 2023, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của tỉnh.