Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được đại diện Hội Nông dân tỉnh giới thiệu tổng quan Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam do tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) tài trợ thông qua Hội Nông dân Việt Nam thực hiện tại 8 tỉnh. Dự án này được triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 7/2021 đến 7/ 2023, có hai hộ tham gia với diện tích 2.000 m2/hộ tại 2 xã: Phước Hậu (Ninh Phước) và Bắc Phong (Thuận Bắc). Mục tiêu của đề án nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, nâng cao chất lượng hạt gạo, ổn định năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Đồng thời giảm lượng giống gieo, giảm lượng nước tưới, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Kết quả cho thấy chất lượng gạo ngon hơn và hiệu quả kinh tế tăng cao hơn từ 30% đến 36% so với ruộng đối chứng...
Các đại biểu tham quan sản phẩm lúa thực hiện kỹ thuật canh tác thân thiện môi trường.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa thân thiện với môi trường đem lại hiệu quả thiết thực về nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập. Đồng thời các đại biểu được hướng dẫn nghiên cứu Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; các văn bản quy định chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2021- 2030, theo Nghị quyết số 19/2021/NQ- HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 06/2022/QĐ- UBND của UBND tỉnh ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021- 2030.
Sơn Ngọc