Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC năm 2022 trên địa bàn tỉnh còn thấp chưa đạt yêu cầu. Từ nay đến cuối năm, thời gian còn lại rất ít và còn nguồn vốn khá lớn, do đó cần phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết nguồn vốn đã được phân bổ.

Theo UBND tỉnh, đến ngày 15/11, toàn tỉnh đã giải ngân 1.679 tỷ đồng, đạt 52,7% kế hoạch, trong đó vốn giao đầu năm giải ngân đạt 62,5%; vốn bổ sung từ tháng 10 giải ngân 126,7 tỷ đồng, đạt 18%. Đến nay, đã có 12 công trình hoàn thành, đang tổ chức thi công 16 công trình, dự kiến đến cuối năm có thêm 6 công trình hoàn thành. Tình hình thực hiện ĐTC tuy có chuyển biến, số vốn giải ngân tăng 19%, nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp so với cùng kỳ, nhất là vốn nước ngoài mới đạt 42,8%. Một số dự án có tiến độ triển khai còn chậm chưa đảm bảo kế hoạch đề ra, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc.

Đường Văn Lâm - Sơn Hải đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương kết quả giải ngân khá cao, đạt 79,9% so với kế hoạch giao đầu năm, tuy nhiên vốn vừa được bổ sung trong tháng 10/2022 nên tỉnh chưa kịp hoàn tất thủ tục để giải ngân. Công tác khảo sát, thiết kế chưa sâu kỹ dẫn đến có dự án phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần, trong khi quy trình, thủ tục bổ sung phức tạp, thời gian kéo dài từ khâu phê duyệt điều chỉnh dự án, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, tổ chức lựa chọn nhà thầu. Đối với vốn nước ngoài, quy trình và thủ tục quản lý, sử dụng vốn phức tạp từ bước lập đề xuất dự án, chủ trương đầu tư, lấy ý kiến nhà tài trợ, trình các cấp, bộ, ngành Trung ương phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án đầu tư, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân dự án. Đối với vốn ngân sách địa phương, có tỷ lệ giải ngân hơn 431,7 tỷ đồng, đạt 66,5%. Khó khăn trong công tác giải ngân nguồn ngân sách địa phương chủ yếu do nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết không đạt so với kế hoạch, nhiều dự án đã có khối lượng và hoàn tất thủ tục nhưng chưa có nguồn để giải ngân. Mặt khác, các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trong giai đoạn này có nhiều điểm mới, trong khi văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa kịp thời còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá.

Đơn cử một số dự án chậm tiến độ, khó giải ngân hết nguồn vốn cần được tập trung tháo gỡ, đó là: Dự án Hệ thống hồ chứa nước Kiền Kiền hiện mới giải ngân được 1,153 tỷ đồng/20 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch. Theo đại diện chủ đầu tư do gói thầu số 30 xin chấm dứt hợp đồng (kể từ ngày 15/7/2022 không còn triển khai thi công). Mặt khác, để giao đơn vị mới thực hiện phần khối lượng còn lại phải thực hiện quy trình chấm dứt hợp đồng và tổ chức lựa chọn nhà thầu mới, làm chậm tiến độ thi công công trình. Đến nay, đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và tổ chức bàn giao mặt bằng, tuy nhiên mặt bằng thi công hẹp nên khó khăn trong công tác đẩy nhanh hoàn thành công trình trong năm 2022. Hay Dự án Cột thu lôi chống sét năm 2022 giải ngân 4,045 tỷ đồng/12,199 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch. Nguyên nhân do giá nguyên vật liệu tăng, chủ đầu tư trình điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế, dự toán nhiều lần, đến giữa tháng 9/2022 mới ký hợp đồng triển khai thi công.

Ông Lê Kim Hoàng cho biết thêm: Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm giải ngân vốn ĐTC là do một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với nhà thầu hoàn tất hồ sơ thanh quyết toán làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quy mô lớn còn vướng mắc; việc xác định giá đất còn chậm, công tác kiểm kê còn sai sót dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân nguồn vốn. Một số chủ đầu tư chưa chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để triển khai dự án và giải ngân kế hoạch vốn; chưa xử lý hoặc tham mưu xử lý triệt để tình trạng nhà thầu chậm tiến độ, không phối hợp thực hiện và giải ngân vốn ĐTC.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa vốn ĐTC kế hoạch năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ĐTC. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ, để Trung ương thu hồi kế hoạch vốn. Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng công trình, dự án theo từng mốc thời gian cụ thể gắn với cá nhân phụ trách. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và ưu tiên bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành. Yêu cầu khẩn trương hoàn thành thủ tục, phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đến danh mục dự án, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các dự án mới đã hoàn thành thủ tục đầu tư và được phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 phải khẩn trương triển khai công tác đấu thầu để giải ngân kế hoạch vốn được giao; hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành để bố trí vốn thanh toán theo quy định. Các địa phương khẩn trương thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.