Hội thảo trực tuyến Đề án cung cấp thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

Ngày 15/11, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo Đề án “Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2023-2025. Đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị.

Hiện cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân ở các xã vùng đồng bào DTTS&MN đã được cải thiện. Để kịp thời đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, những năm qua, Ủy ban Dân tộc và các địa phương phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới hình thức tuyên truyền trên các ấn phẩm báo, tạp chí sát thực tế, ngôn ngữ gần gũi với đồng bào, dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng. Trong giai đoạn 2023-2025 Đề án sẽ tiếp tục cấp phát ấn phẩm báo, tạp chí cho người dân ở 51 tỉnh, thành phố, trong đó có Ninh Thuận. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: A.Tuấn

Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận về sự cần thiết xây dựng Đề án, làm rõ đường lối, chủ trương, thông tin, tuyên truyền theo nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; cơ sở pháp lý, thực tiễn và mục tiêu, đối tượng thực hiện Đề án. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp đổi mới nội dung các ấn phẩm báo, tạp chí; đổi mới hình thức cung cấp thông tin; đa dạng các kênh phát hành đến đối tượng thụ hưởng... nhằm hoàn thiện Đề án. Thông qua Đề án nhằm thông tin, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc và tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trang bị, phổ biến kiến thức về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, xây dựng nông thôn mới.