(NTO) Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, do không được người dân đồng tình ủng hộ nên dự án công trình thoát lũ ở xã miền biển Thanh Hải có nguy cơ không triển khai kịp theo dự kiến. Người dân nói tới ở đây chính là các hộ dân thuộc thôn Mỹ Phong trực tiếp chịu tác động ảnh hưởng của việc mở rộng kênh thoát lũ. Điều nghịch lý là trong khi đó, hậu quả cơn lũ cuối năm 2010 vẫn còn để lại dấu ấn tàn phá nặng nề tại địa phương và dù các hộ dân trên đều biết đây là công trình thoát lũ rất cần thiết phải có.
Nước biển xâm thực gây nhiễm mặn vùng ven biển Thanh Hải (Ninh Hải).
Để lý giải điều nghịch lý này, chúng tôi đã về xã Thanh Hải tìm hiểu kỹ vấn đề. Thực ra trước khi triển khai công trình, thôn Mỹ Phong đã có con mương tự nhiên dài trên 2.000m hình thành từ lâu đời do dòng chảy của lũ bắt đầu từ chân núi Lạng Cốc, qua thôn Mỹ Phong rồi về thôn Mỹ Tân 2 đổ ra biển. Cơn lũ cuối năm 2010, do nước hỗn về nhiều trong khi hệ thống thoát lũ hẹp nên đã tràn lên vùng đất canh tác nông nghiệp Dốc Truôn của Mỹ Phong, ngập khu dân cư Mỹ Tân và làm xói lở bờ biển, thiệt hại về hoa màu, tài sản ước tính khoảng 6 tỷ đồng. Đáng nói là vùng đất nông nghiệp ngập nước hàng tháng trời vì không có chỗ thoát. Trước tình hình đó, UBND xã Thanh Hải đã kiến nghị với huyện mở rộng hệ thống thoát lũ và đã được huyện đầu tư 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục hậu quả lũ lụt của tỉnh. Theo thiết kế, sẽ có 1.200m kênh thoát lũ được mở rộng, kiên cố hóa và như vậy sẽ có nhiều mảnh đất dọc theo kênh chịu ảnh hưởng. Cụ thể có 11 hộ nông dân ở thôn Mỹ Phong sẽ mất bình quân diện tích từ 200 m2 đến gần 1.000 m2 đất nông nghiệp. Do đây là công trình thoát lũ, chủ trương đầu tư của huyện là vận động các hộ hiến đất vì lợi ích chung, sẽ chỉ hỗ trợ hoa màu (cây lâu năm) và vật kiến trúc trên đất (chòi, giếng) chứ không đặt vấn đề đền bù số diện tích đất bị lấy. Tuy nhiên đến nay chỉ có 3 hộ ở đầu tuyến đồng ý hiến đất là Võ Xuân Hương (với diện tích gần 1.000 m2), Lê Quý (300 m2) và Lê Cải (200 m2), còn lại các hộ đều không chấp nhận.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: “ Xã đã gặp các hộ và sau đó phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, cấp ủy thôn trực tiếp đến từng hộ vận động giải thích rất nhiều lần nhưng vẫn không thuyết phục được”. Vùng đất phải nhường cho công trình là vùng đất chuyên trồng hành, tỏi và một số cây ăn trái như mít, dừa, ổi dọc bờ mương. Ông Võ Xuân Hương, người hiến đất đầu tiên giải thích: “Tôi ở đầu tuyến nên thấu hiểu được nguyên nhân lũ không thoát được, tuy mất diện tích đất không phải nhỏ nhưng vì lợi ích của cộng đồng, trong đó có cả mình nên tôi tự nguyện”. Các ông Lê Quý, Lê Cải ban đầu cũng chần chừ nhưng qua công tác dân vận của chính quyền xã, đã hiểu ra và theo bước người đi trước. Song theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy xã, tấm gương hiến đất của 3 hộ trên dù được bà con hết lời khen ngợi vẫn chưa làm lay động số hộ còn lại, lý lẽ của họ là nếu nói công trình thoát lũ phục vụ chung cho cả cộng đồng thì tại sao chỉ có họ chịu thiệt hại. Để hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của họ, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Hải đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, mời cả các bậc cao tuổi trong thôn và thông qua các mối quan hệ họ hàng tác động nhưng vẫn không thành công. Tuy nhiên qua đối thoại, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Hải đã tìm ra giải pháp mới cho việc thi công, đó là thay vì mở rộng toàn tuyến kênh, sẽ chỉ mở rộng đoạn đầu tuyến có chiều dài khoảng 4-500m và xây bờ tràn cuối tuyến, giáp với cửa biển để ngăn chặn mặn xâm nhập và chống xói lở khi có lũ. Riêng đoạn giữa tuyến có chiều dài chừng 7-800m, tức đoạn có 8 hộ dân không nhường đất, sau này có dự án mới bồi thường sẽ tính sau.
Thực ra, không riêng công trình thoát lũ, trước đó nhiều công trình như Trạm Y tế xã, trường Trung học phổ thông, trường Trung học cơ sở ở Thanh Hải đã không triển khai thi công được cũng vì lý do không thỏa thuận được được giá đền bù đất cho dân. Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa tâm sự: “Cái bất lợi của địa phương là không có đất dự phòng, mọi công trình đều đụng tới đất sản xuất của dân và trở thành cản ngại lớn nhất cho công tác dân vận của chính quyền. Người dân luôn sẵn sàng giao đất nhưng với điều kiện phải có đất thay thế để canh tác. Vì vậy chúng tôi cho rằng để làm tốt công tác dân vận trong giai đoạn mới, không thể chỉ vận động thuyết phục suông mà phải tùy đặc điểm địa phương, có chính sách phù hợp nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân”.
Bạch Thương