Cần gỡ khó trong chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã

Chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để hợp tác xã (HTX) nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị; giúp cho HTX tìm kiếm được một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực. Tuy nhiên CĐS khu vực kinh tế hợp tác, HTX tại tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ, tháo gỡ.

Ninh Thuận là tỉnh nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, nguồn thu ngân sách còn hạn chế, đã ảnh hưởng nhất định đến công tác hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Tuy nhiên được sự quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt, sự nỗ lực của từng đơn vị kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX trong những năm qua đã không ngừng đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả; đã xuất hiện nhiều loại hình, mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX. Toàn tỉnh hiện có 101 HTX đang hoạt động, trong đó có 3 Quỹ tín dụng nhân dân, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời cũng là “hạt nhân” quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú đưa dây chuyền sơ chế măng tây xanh vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Ảnh: T.Mạnh

Xác định vai trò quan trọng của việc CĐS, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, vừa tối ưu nguồn lực, tiết giảm chi phí, thời gian qua một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu đã đưa các sản phẩm của HTX lên sàn giao dịch thương mại điện tử, tem truy xuất nguồn gốc... góp phần giúp các HTX mở rộng thị trường. Tuy nhiên, công tác tư vấn, hỗ trợ các HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ CĐS trong hoạt động quản lý, quản trị sản xuất, kinh doanh nhưng mức độ đạt được còn khiêm tốn, thực tế cho thấy việc ứng dụng CĐS của các HTX vẫn còn hạn chế. Tính đến nay, trong tỉnh mới chỉ có 8 HTX ứng dụng công nghệ cao, chiếm 10,7% số HTX nông nghiệp đang hoạt động, các HTX chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Đa số các HTX thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao. Thu nhập của thành viên còn thấp, chưa thu hút được thành viên và người lao động gắn bó, tích cực xây dựng HTX. Cán bộ quản lý điều hành HTX trên cơ sở uy tín và kinh nghiệm tích lũy từ những hoạt động thực tế, chưa được đào tạo bài bản. Một số cán bộ quản lý tuổi đời cao, trình độ chuyên môn còn hạn chế, nên việc thực hiện áp dụng các công nghệ thông tin (CNTT) chậm, CĐS còn gặp nhiều khó khăn. Các HTX trên địa bàn quy mô nhỏ, khó khăn về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hạn chế, nhiều HTX không có máy tính, mạng internet, kết nối thiết bị, phần mềm ứng dụng... do thiếu nguồn lực tài chính. Việc thực hiện CĐS cần tốn nhiều kinh phí để đầu tư trang thiết bị, máy móc. Nguồn kinh phí của HTX còn hạn chế, thiếu vốn hoạt động, nhiều HTX chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay, công tác CĐS trong HTX đang gặp một số khó khăn, do chưa có cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho các HTX thực hiện CĐS. Đây cũng là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX. Hầu hết các HTX nông nghiệp đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận CNTT trong quản lý, điều hành. Cơ sở hạ tầng CNTT của HTX nông nghiệp còn lạc hậu, lực lượng lao động, thành viên của HTX nhìn chung thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng phục vụ quá trình CĐS như tiếp cận thị trường, ứng dụng CNTT. Năng lực tài chính yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để giải quyết những khó khăn trên, giúp HTX và khu vực KTTT gỡ khó trong việc thực hiện CĐS cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, HTX và người dân về sự cấp thiết và lợi ích thiết thực của CĐS; tạo điều kiện cho các HTX nâng cao năng lực CĐS, ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quá trình quản lý, sản xuất, kinh doanh cũng như tham gia liên kết chuỗi giá trị. Tổ chức các chuyên đề, hội thảo về CĐS; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện CĐS thành công. Có chính sách hỗ trợ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho bộ máy quản lý, điều hành HTX, người dân trong khu vực KTTT, HTX tiếp cận, ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng lực điều hành, hoạt động; có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất; hỗ trợ trang thiết bị, công cụ phục vụ CĐS dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương. Có như vậy thì việc CĐS trong HTX mới thực sự mang đến hiệu quả và chuyển biến tích cực, phù hợp xu thế phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.