Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, nhất là diễn biến thời tiết cực đoan, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất không đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Song, nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành đã ban hành các kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo bám sát các mục tiêu, yêu cầu đã đề ra, nên đã đạt những kết quả ban đầu hết sức khả quan.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá toàn diện cả về quy mô, năng suất, chất lượng; cơ cấu ngành Nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất, tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng CNC tăng lên; một số sản phẩm đặc thù của tỉnh từng bước khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường. Sở chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức rà soát lại và triển khai sản xuất 35 cánh đồng lớn với quy mô 4.831,3 ha/10.658 hộ tham gia.

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố triển khai có hiệu quả mô hình trồng táo trong nhà lưới kết hợp biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Ảnh: Văn Miên

Công tác thu hút, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được đẩy mạnh. Về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tính đến nay diện tích cây trồng được chứng nhận VietGAP 767,52 ha; trong đó, nho 254,72 ha, táo 93,48 ha, măng tây xanh 132,55 ha, hành 60,22 ha, tỏi 7 ha, nha đam 120 ha, cây ăn quả 15 ha, dưa lưới 62,7 ha, lúa 21,85 ha. Diện tích cây trồng được chứng nhận hữu cơ 2.643 ha; trong đó, măng tây xanh 20 ha, nha đam 8 ha, điều 2.615 ha. Đối với nhân rộng mô hình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” là 4.700 ha/9.972 hộ, chiếm 30% tổng diện tích lúa toàn tỉnh. Nhân rộng mô hình “Bao lưới chống ruồi vàng” trên cây táo với diện tích 642,1 ha/1.983 hộ, chiếm 63,7% tổng diện tích trồng táo trên toàn tỉnh.

Lĩnh vực đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng CNC cũng được quan tâm thực hiện. Đã có 18 dự án trồng trọt với diện tích 242,6 ha ứng dụng CNC đi vào hoạt động, cho sản phẩm và hiệu quả; trong đó, măng tây xanh 61 ha, dưa lưới 41,6 ha, chanh không hạt 26 ha, nho rượu 20 ha, hoa lan 7 ha, cây dược liệu 39 ha, bưởi da xanh và sầu riêng 34 ha, nho 9 ha, táo 5 ha. Sở NN&PTNT đã hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị công nhận theo quy định toàn bộ thủ tục hành chính và thành lập Hội đồng thẩm định doanh nghiệp nông nghiệp CNC. Đến nay, đã công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp CNC là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, ngành chức năng đang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp CNC.

Riêng công tác quản lý, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 10 mã số được cấp với tổng diện tích là 80,6 ha. Cụ thể, một mã số cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt về sản xuất nha đam, với diện tích 9 ha; 2 mã số cho Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ xuất khẩu sang Anh và Nga về sản xuất chanh không hạt, với diện tích 23,3 ha; 1 mã số cho Công ty TNHH FARA Farm về sản xuất dưa lưới, với diện tích 1,3 ha; 1 mã số cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố về sản xuất măng tây, với diện tích 30 ha; 1 mã số cho Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung về sản xuất dưa lưới, với diện tích 2 ha; 3 mã số cho Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận về sản xuất dưa lưới, dưa lê và bí hạt đậu, với tổng diện tích là 10 ha; 1 mã số cho Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Indochi về sản xuất ớt phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 5 ha.

Mô hình trồng nho giàn chữ Y có mái che của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Ảnh: T.Thịnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến nay chưa thật sự trở thành phong trào mạnh; quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Việc huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC còn khó khăn; kết cấu hạ tầng các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ; công nghệ sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến chưa cao nên chất lượng sản phảm còn thấp; việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa mạnh,... Nguyên nhân hạn chế chủ yếu là do xuất phát điểm về nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh còn thấp; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp khu vực nông thôn chưa phù hợp, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được; các chính sách về đất đai, tín dụng; nguồn lực và năng lực tiếp cận các quy trình, công nghệ mới, giống mới còn hạn chế.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đang tập trung nguồn lực, cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tại địa phương. Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC, thời gian tới, Sở sẽ tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ các địa phương xây dựng các dự án VietGAP đã được tỉnh phê duyệt danh mục đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các chính sách về đất đai, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây ăn quả gắn với bảo vệ môi trường; đặc biệt xây dựng bản đồ đối với diện tích chuyển đổi từ vùng đất trồng lúa nước kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây trồng cạn để phát huy hiệu quả tài nguyên đất, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.