Triển khai thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh

Nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư các dự án động lực, có quy mô lớn, cũng như tăng cường liên kết giữa vùng kinh tế ven biển (KTVB) phía Nam tỉnh với các khu KTVB miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, để khai thác các thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 7/11/2022 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4823/KH-UBND triển khai thành lập Khu KTVB phía Nam tỉnh Ninh Thuận.

Theo kế hoạch vừa được ban hành, phạm vi, quy mô, ranh giới dự kiến thành lập Khu KTVB phía Nam tỉnh có tổng diện tích 439 km2 bao gồm 9 xã, trong đó có 7 xã thuộc huyện Thuận Nam (gồm: Nhị Hà, Phước Minh, Phước Ninh, Cà Ná, Phước Nam, Phước Dinh, Phước Diêm) và 2 xã thuộc huyện Ninh Phước (gồm: An Hải, Phước Hải). Quy trình xây dựng Phương án phát triển Khu KTVB phía Nam tỉnh sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về tiến độ, đến năm 2025 hoàn thành các nhiệm vụ: Xây dựng Đề án điều chỉnh Cảng Tổng hợp Cà Ná thành Cảng Tổng hợp loại I, trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn Thành xây dựng Đề án thành lập Khu KTVB phía Nam tỉnh và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua nội dung Đề án. Trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thẩm định Đề án thành lập Khu KTVB phía Nam tỉnh. Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu KTVB phía Nam tỉnh.

Để đáp ứng các điều kiện thành lập Khu KTVB phía Nam tỉnh theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý Khu kinh tế, Kế hoạch của UBND giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương. Trong đó, về công tác quy hoạch, Sở KH&ĐT xây dựng và tích hợp Phương án phát triển Khu KTVB phía Nam tỉnh vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh, đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, đảm bảo đồng bộ, khớp nối, phù hợp với định hướng phát triển, các khu chức năng phát triển vùng kinh tế phía Nam tiến tới đảm bảo pháp lý thành lập Khu KTVB theo quy định. Sở Công Thương chủ trì lập Đồ án Quy hoạch phân khu Tổng kho xăng dầu và Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics; xây dựng Đề án bổ sung Trung tâm trung chuyển, tái tạo khí LNG Cà Ná với quy mô 4,8 triệu tấn/năm vào Quy hoạch quốc gia hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt. Sở GTVT chủ trì, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ (1/2000) Cảng cạn; tham mưu điều chỉnh Quy hoạch phân khu Cảng tổng hợp Cà Ná. Ban Quản lý (BQL) các Khu Công nghiệp (CN) tỉnh chủ trì, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch phân khu Khu CN Cà Ná.

Cảng tổng hợp Cà Ná sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển cho khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Ảnh: A.Tuấn

Đối với nhiệm vụ xây dựng Cảng tổng hợp Cà Ná thành Cảng loại I, Sở GTVT, Sở Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu cảng cạn Cà Ná, huyện Thuận Nam và hoàn thiện hồ sơ xây dựng Trung tâm logistics hạng II tại tỉnh Ninh Thuận để đáp ứng điều kiện tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở GTVT tham mưu, đề xuất phương án phân chia tổ hợp các bến cảng còn lại của Cảng Tổng hợp Cà Ná (trừ bến 1A, 1B giai đoạn 1) để công bố danh mục mời gọi đầu tư. Thời gian hoàn thành trong tháng 11/2022. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh về cơ chế quản lý Cảng Tổng hợp Cà Ná để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trong tháng 12/2022. Tất cả phải đảm bảo quy định tiêu chí phân loại cảng biển theo Nghị định số 76/2021/NĐ-CP ngày 28/7/2021 của Chính phủ.

Về nhiệm vụ đảm bảo thu hút, đầu tư, huy động hàng hóa qua Cảng đến năm 2025 đạt tối thiểu 2-2,5 triệu tấn/năm, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT hoàn thành các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, để các dự án: Đầu tư Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn I với 1.500 MW; nhà máy trạm nghiền xi măng; Nhà máy hóa chất sau muối; Dự án Nhà máy sản xuất Hydrogen,... sớm đi vào hoạt động. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với BQL các dự án giao thông đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình, dự án giao thông trọng điểm, kết nối như: Hoàn thành đầu tư Cảng Tổng hợp Cà Ná giai đoạn I (các bến 1A và 1B) vào năm 2024 để thu hút lượng hàng hóa qua Cảng; đường liên vùng từ thị trấn Tân Sơn đi Tà Năng huyện Đức Trọng (Lâm Đồng); tuyến đường kết nối cảng Cà Ná với cao tốc Bắc - Nam; chủ động tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh; xúc tiến kêu gọi đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức PPP; tuyến đường sắt kết nối với Nhà ga Cà Ná mới đến Cảng Tổng hợp Cà Ná để tăng tính kết nối vùng, phát huy hiệu quả lưu thông hàng hóa qua cảng từ các tỉnh Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn giao các sở: Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu đẩy nhanh tiến độ công bố hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn I theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo 499-TB/TU ngày 8/9/2022. Đồng thời, lập Đồ án Quy hoạch phân khu Dự án Tổng kho xăng dầu Cà Ná quy mô 100.000 m3 để đảm bảo cơ sở pháp lý tổ chức kêu gọi đầu tư dự án theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung Cụm CN Phước Minh 1 (diện tích 75 ha) và Cụm CN Phước Minh 2 (diện tích 26 ha) vào Quy hoạch phát triển các khu, cụm CN trên địa bàn tỉnh vào kỳ họp cuối năm. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thuận Nam rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để cập nhật, bổ sung các dự án đầu tư vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất huyện Thuận Nam, làm cơ sở thu hút đầu tư; hướng dẫn các nhà đầu tư tổ chức rà soát, đánh giá tác động môi trường của các dự án theo quy định. BQL các Khu CN tỉnh, trong quý IV/2022 tham mưu UBND tỉnh hoàn tất các hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu CN Cà Ná trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về quản lý khu CN và khu kinh tế. UBND các huyện Thuận Nam, Ninh Phước căn cứ chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 3745/KH-UBND ngày 26/8/2022 triển khai Đề án “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; phát huy các tiềm năng, lợi thế, ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; thu hút dự án, công trình đầu tư với quy mô lớn, đặc biệt quan trọng và có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng trọng điểm phía Nam nhằm sớm đáp ứng các điều kiện thành lập khu kinh tế.