Xã Phước Chính có gần 150 ha đất sản xuất lúa, trước đây phần lớn nông dân canh tác theo kiểu truyền thống và vẫn chưa xóa bỏ hoàn toàn lối canh tác manh mún, kỹ thuật canh tác còn hạn chế dẫn đến năng suất, sản lượng lúa đạt thấp. Nhằm giúp người dân nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo, năm 2020 HTX Phước Chính đã liên kết với 30 hộ trồng lúa ở địa phương, hỗ trợ ban đầu về giống lúa mới, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 20 ha. Cách làm này giúp năng suất lúa của những hộ tham gia mô hình tăng thêm gần 30% so với phương pháp sản suất truyền thống trước đây.
Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP
triển khai ở xã Phước Chính.
Gia đình anh Katơr Gia ở thôn Suối Khô một trong những hộ ở địa phương tham gia sản xuất gạo theo tiêu chuẩn VietGAP do HTX Phước Chính triển khai. Sau 2 năm triển khai mô hình, anh đã thuần thục quy trình canh tác để tạo ra loại gạo dẻo chất lượng và có giá bán ổn định trên thị trường. Anh Gia cho biết: Gia đình tôi có 5 sào ruộng đang canh tác trên cánh đồng lớn xã Phước Chính, những năm trước chủ yếu sử dụng các giống lúa cũ, ít quan tâm đến việc bón phân nên năng suất thấp. Năm 2020, tôi tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa, gạo theo hướng VietGAP, được HTX cung ứng giống lúa mới, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, nhờ đó năng suất lúa đạt cao hơn cách làm truyền thống trước đây. Vụ hè - thu 2022 sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi trên 15 triệu đồng từ trồng 5 sào lúa. Cũng như gia đình anh Gia, từ ngày tham gia mô hình, gia đình chị Chamaléa Thị Suông ở thôn Suối Khô đã có kinh nghiệm trong việc xuống giống đúng lịch thời vụ, bón phân đủ số lượng, đúng thời điểm để cây lúa đạt năng suất và chất lượng. Chị Suông chia sẻ: Đây là vụ thứ 3 tôi tham gia mô hình, được HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên năng suất đạt cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống trước đây, sản phẩm lúa sau khi thu hoạch được HTX thu mua giá cao hơn ngoài thị trường cùng thời điểm nên thu nhập gia đình được cải thiện.
Qua 2 năm triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP không chỉ giúp nâng cao năng suất, sản lượng hạt gạo mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn xã. Đến nay số hộ liên kết đã tăng lên gần 70 hộ, mỗi vụ sản xuất gần 40 ha với giống lúa chủ lực là Đài Thơm 8, sản lượng gạo cung ứng ra thị trường trên 50 tấn/vụ. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc HTX Phước Chính chia sẻ: Hiện nay sản phẩm gạo của HTX đã cung ứng ra thị trường ở các đại lý trên địa bàn tỉnh và 2 đại lý ở ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hướng sắp tới HTX sẽ tiếp tục chọn những hộ dân có tâm huyết để mở rộng diện tích và tiếp tục hỗ trợ, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp để các hộ sản xuất nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho các khách hàng ở trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần quảng bá sản phẩm gạo sạch của địa phương đến với người tiêu dùng, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Phước Chính cho biết: Hiện nay, diện tích lúa nước của xã Phước Chính gần 150 ha, có thể tạo ra vùng chuyên canh lúa hàng hóa chất lượng cao. Tuy nhiên, địa phương sẽ không mở rộng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP một cách ồ ạt mà thực hiện một cách có chọn lọc khoảng 50 ha để tập trung hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật để thuần thục quy trình canh tác nhằm tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao. Hiện địa phương đang hoàn thiện quy trình kỹ thuật, chứng nhận hồ sơ để đăng ký sản phẩm gạo Phước Chính đạt tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận sản phẩm OCOP.
Kha Hân