An Hải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn

Với mục tiêu đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thời gian qua, xã An Hải (Ninh Phước) đã triển khai xây dựng vùng sản xuất rau an toàn (RAT) theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT) và công nghệ cao (CNC) vào sản xuất. Qua đó, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

An Hải là địa phương có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng có lợi thế, có giá trị kinh tế cao, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 2.098 ha. Toàn xã có 7 thôn, với 5.500 hộ/18.000 nhân khẩu. Trước đây sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; thu nhập của nông dân bấp bênh nên đời sống còn nhiều khó khăn. Đồng chí Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: Với mục tiêu đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đặc biệt là triển khai xây dựng vùng sản xuất RAT, thời gian qua, xã An Hải tập trung thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình hành động số 02-CTr/ĐU của Đảng ủy xã. Theo đó, xã tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích; quy hoạch vùng sản xuất RAT và đưa các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, hướng dẫn nông dân và hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác lập hồ sơ tham gia mô hình trồng RAT; tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân; thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp; xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình trồng măng tây xanh... Cùng với đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống đập dâng Tuấn Tú, trạm bơm và 7 bể chứa nước cung cấp nước tưới cho 100% diện tích trồng RAT của xã. Đến nay, xã đã nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm được 260 ha, với 480 hộ dân tham gia; hình thành vùng trồng RAT với diện tích 300 ha, trong đó phát triển được 100 ha măng tây xanh, xây dựng 1 cánh đồng lớn trồng măng tây xanh, với diện tích 30 ha và 1 trang trại hữu cơ nông nghiệp CNC với diện tích 10 ha đã đi vào sản xuất. Qua đó, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 234 triệu đồng/ha/năm.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú đưa dây chuyền sơ chế măng tây xanh
vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao.

Đến thăm cánh đồng lớn trồng măng tây xanh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú mới thấy được hiệu quả kinh tế của việc áp dụng tiến bộ KH-KT và công nghệ vào sản xuất. Ông Từ Công Hay, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú cho biết: Trước đây, các hộ thành viên sản xuất RAT theo phương pháp truyền thống, năng suất đạt thấp, thu nhập bấp bênh. Nhưng từ khi được các cấp, ngành, địa phương quan tâm xây dựng vùng trồng RAT, đến nay, 60 ha trồng măng tây xanh của HTX đã được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng, thu nhập của nhiều hộ thành viên tăng so với trước đây. Bình quân mỗi hộ thành viên trong HTX có thu nhập ổn đinh từ 200-300 triệu đồng/năm.

Việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC vào sản xuất RAT ở xã An Hải trong thời gian qua không chỉ là giải pháp giúp nông dân tiếp cận với KH-KT trong sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng trên một đơn vị diện tích, mà còn tạo đà để từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của xã và của huyện phát triển theo hướng bền vững.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, thời gian tới, huyện tiếp tục trển khai Đề án xây dựng lại vùng trồng RAT trên địa bàn xã An Hải với diện tích 130 ha và Phước Hải 70 ha. Đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn nông dân sản xuất theo phương thức, quy trình tiên tiến, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất RAT; hỗ trợ nông dân, HTX và các tổ hợp tác xây dựng mã vùng, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã bao bì, mã vạch; tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp cho nông dân; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất cho vùng sản xuất RAT; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC và thực hiện việc liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm RAT cho nông dân... Qua đó, từng bước đưa nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững.