Huyện ủy Ninh Sơn: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cải cách hành chính

Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Kết quả triển khai công tác CCHC là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp... Quán triệt chủ trương này, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2025 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, hiệu quả; xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, chỉ đạo cụ thể hóa các nhiệm vụ trên các nội dung CCHC; tập trung nâng cao các chỉ số thành phần còn thấp; đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến nguời dân, DN; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên thông giữa các cơ quan hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Với quyết tâm chính trị của Huyện ủy, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị huyện từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị.

Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình hành động số 123-CTr/HU thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/T của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; đồng thời, chỉ đạo UBND huyện tổ chức, triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đồng bộ, thống nhất. Xây dựng chuyên mục tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số của tỉnh trên Trang thông tin điện tử của huyện. Tính từ ngày 1/10/2021 đến nay, việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước trong toàn huyện có 29.676 văn bản, trong đó: 10.596 văn bản đến, 19.080 văn bản đi. Tổng số 361 dịch vụ công trực tuyến (cấp huyện: 261 thủ tục hành chính (TTHC), cấp xã: 100 TTHC) được đăng tải trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Số hồ sơ tiếp nhận mức độ 3, 4 giải quyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp huyện 793 hồ sơ. Triển khai công tác kiểm soát TTHC theo lộ trình, thực hiện hằng tháng và hằng quý. Số lượng dịch vụ công mức độ 1, 2 có 38 dịch vụ; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có 265 dịch vụ. 100% CBCCVC sử dụng phần mềm TD.Office trong giải quyết công việc; 100% CBCCVC được cấp và sử dụng hộp thư điện tử công vụ. Riêng đối với các cơ quan đảng, Mặt trận, đoàn thể đã triển khai sử dụng phần mềm E-Office theo đúng quy định; quản lý, trao đổi thông tin, xử lý hồ sơ công việc, điều hành nội bộ... nhằm quản lý số hóa hồ sơ. Huyện đã triển khai thành công ứng dụng chữ ký số với thao tác ký văn bản và xác thực văn bản trực tuyến vừa đảm bảo tính pháp lý cho văn bản gửi trên môi trường mạng internet, vừa tạo tiền đề quan trọng để xây dựng chính quyền điện tử trong giai đoạn tiếp theo; góp phần giảm bớt giấy tờ hành chính. Về cấp chứng thư số, đã được Sở Thông tin và Truyền thông cấp 257 chứng thư số tổ chức, cá nhân (lãnh đạo huyện, xã và các trường học, kế toán, tư pháp).

Bên cạnh đó, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo UBND huyện và các cơ quan nhà nước triển khai các giải pháp nâng cao các trục nội dung do các sở, ban, ngành chịu trách nhiệm phụ trách trong Chỉ số PAR INDEX, PCI, PAPI, SIPAS của tỉnh. Theo đó, đã tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể đội ngũ CBCCVC tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ khi giải quyết TTHC đối với người dân; xem mức độ hài lòng của người dân là một trong những thước đo hiệu quả hoạt động của nền công vụ. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong góp phần cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, chủ động ngăn ngừa các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ của đội ngũ CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, tạo điều kiện để người dân được tham gia đối thoại tại cấp cơ sở và đóng góp ý kiến về các vấn đề bức xúc của người dân.