Cây táo được ngành Nông nghiệp xác định là một trong những loại cây trổng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất theo quy mô hàng hóa.
Để góp phần thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục những hạn chế về sâu bệnh phá hoại cây táo, năm 2020 Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố triển khai đề tài “Nghiên cứu quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số bệnh hại chính trên cây táo tại Ninh Thuận và một số tỉnh Nam Trung bộ”. Ngày 12/9 vừa qua, Viện đã tổ chức hội thảo chuyển giao kỹ thuật canh tác cây táo theo phương thức tiến tiến đã mở ra triển vọng mới cho nghề trồng táo ở tỉnh ta và các tỉnh trong khu vực.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật (Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố) cho biết: Đề tài thuộc cấp nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2000 - 2022, tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Quá trình nghiên cứu, Viện đã triển khai mô hình thực nghiệm trồng táo theo quy trình quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số bệnh hại. Theo đó, Viện đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực tế tình hình sản xuất táo ở một số địa phương, qua đó lựa chọn 40 hộ ở huyện Ninh Phước và Ninh Sơn triển khai mô hình với diện tích 20 ha. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ các loại bẫy pheromone, bẫy dính, bẫy đèn, bẫy thức ăn… để tiêu diệt các loại sâu hại. Ngoài ra, Viện còn đưa vào trồng thử nghiệm giống táo TN 05, TN 01 tại vườn thực nghiệm của đơn vị với diện tích gần 2 ha để phục vụ nghiên cứu chuyên sâu.
Áp dụng quy trình kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp giúp tăng năng suất,
chất lượng táo, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, nông dân trồng táo ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) cho biết: Nhờ dự các lớp tập huấn kỹ thuật do Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp mở, nên tôi biết cách phủ bạt đất chống cỏ, kết hợp trồng các loại cây họ đậu trong vườn táo giúp cải tạo đất, giữ đất luôn tơi xốp, nên tăng khả năng đậu quả cho cây táo và hạn chế hiện tượng nứt quả khi thu hoạch. Toàn bộ 4 sào táo được màn lưới che chắn giúp ngăn chặn côn trùng và ruồi vàng xâm nhập đục quả; kết hợp với sử dụng các loại bẫy pheromone, bẫy dính, bẫy đèn, bẫy thức ăn để tiêu diệt các loại sâu hại nên không phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Màn lưới còn giúp cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào quả táo, bảo vệ quả bớt bị nám vỏ và sậm màu, hạn chế mưa gió gây rụng quả; đồng thời, không lo ngại côn trùng xâm nhập nên chất lượng quả táo ngon hơn, giá bán cũng cao hơn.
Qua theo dõi, so sánh với vườn táo đối chứng, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp kết hợp các biện pháp canh tác như mật độ, thời gian chăm sóc, tỷ lệ bón phân, phòng trừ sâu bệnh hợp lý nên mật độ, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp hơn so với kỹ thuật canh tác thông thường của nông dân. Thông qua mô hình quản lý dịch hại tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm chi phí đầu vào, áp dụng hài hòa các biện pháp canh tác, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân. Việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ ổn định độ phì nhiêu và hạn chế xói mòn đất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập, hiệu quả sử dụng đất và cải thiện đời sống kinh tế cho người nông dân. Kết quả cùng số diện tích đất canh tác táo, mô hình áp dụng theo áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp đạt doanh thu 800-900 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống.
Từ thực tế sản xuất cho thấy, mô hình quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số bệnh hại chính trên cây táo đạt hiệu quả kinh tế cao, thu hút sự quan tâm của nông dân trên toàn tỉnh. Để mở rộng diện tích canh tác táo theo hướng hữu cơ, góp phần khẳng định thương hiệu táo Ninh Thuận, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đang tổ chức tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân nhân rộng mô hình.
Anh Tùng