Trong những ngày này, nông dân ở các địa phương vô cùng phấn khởi vì lúa hè - thu được mùa, được giá, sản xuất có lãi nhờ thực hiện mô hình CĐL. Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Ngọc Danh, ở thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong (Thuận Bắc), phấn khởi: Tham gia trồng lúa CĐL được hơn 2 năm nay, qua mỗi mùa vụ sản xuất đều có lãi. Đặt biệt, năm nay, dù giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhưng nhờ được ngành chức năng hỗ trợ tập huấn, 7 sào lúa của gia đình cho năng suất 7,5 tạ/sào, sau khi trừ đi chi phí đầu tư, lãi gần 2 triệu đồng/sào. Còn đối với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước), hiện có 1.208 hộ tham gia sản xuất lúa CĐL trên diện tích 593 ha. Từ việc tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện đồng bộ các khâu trong tổ chức sản xuất, vụ lúa hè - thu HTX tiếp tục đạt nhiều thắng lợi. Ông Nguyễn Thành Anh, Giám đốc HTX, cho biết: Mô hình CĐL sử dụng giống lúa TH41, nhờ áp dụng đảm bảo quy trình “1 phải 5 giảm”, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hợp lý đã tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Nhiều năm qua, mô hình CĐL đã giúp HTX tiếp cận nhiều kỹ thuật mới, giảm đáng kể chi phí trồng lúa và mang lại lợi nhuận cao.
Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn góp phần tăng thu nhập cho nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước).
Thực hiện chủ trương xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh, năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và UBND các huyện tập trung rà soát, thống nhất kế hoạch lựa chọn khu vực xã Phước Hậu (Ninh Phước) làm thí điểm mô hình lúa CĐL, với diện tích 100 ha. Từ thành công qua các mùa vụ, sức lan tỏa của mô hình nhanh chóng được nhân rộng ra các địa phương khác, đến nay toàn tỉnh hiện có 31 mô hình CĐL; trong đó, có 26 mô hình lúa CĐL, với diện tích hơn 3.966 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Thuận Bắc.
Ông Phạm Dũng, Giám đốc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nhìn nhận: Thực tế sản xuất lúa lâu nay khá manh mún, quy mô nhỏ lẻ, sự gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp hạn chế; trên một cánh đồng còn tồn tại nhiều loại giống khác nhau, kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo dẫn đến năng suất thấp. Thông qua tập trung đất đai và tổ chức sản xuất quy mô lớn theo mô hình CĐL đã khắc phục được những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, tranh thủ được thời vụ, đưa năng suất lúa tăng đều qua từng mùa vụ.
Với việc tham gia của các doanh nghiệp, HTX và sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của ngành chức năng trong việc chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho người dân từ khâu làm đất đến thu hoạch gắn với áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, điều tiết nước hợp lý, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, trên các vùng triển khai mô hình CĐL đạt nhiều kết quả, năng suất lúa bình quân ước đạt 65 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà từ 3-4 tạ/ha, lúa thương phẩm được thương lái mua với giá 6.200 đồng/kg; giảm được chi phí đầu tư từ 5-10%, lợi nhuận tăng từ 25-30% so với trồng lúa thông thường.
Mô hình CĐL sản xuất lúa được xem là hướng đi tất yếu và cũng là giải pháp thiết thực nhất để từng bước làm thay đổi thói quen sản xuất nhỏ, lẻ của người dân, tiến tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Nhằm thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình CĐL trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu trong năm 2023, ngoài tiếp tục duy trì các mô hình CĐL đang thực hiện, đồng thời sẽ triển khai thêm 2 mô hình CĐL với diện tích 360 ha tại huyện Ninh Sơn và Thuận Nam. Cùng với đó, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích gắn kết doanh nghiệp thông qua HTX hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân; góp phần thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh từng bước đi lên và phát triển bền vững .
Hồng Lâm