Đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là một trong những giải pháp đột phá, trọng tâm, tạo động lực để phát triển, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên đầu tư phát triển, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh và bền vững.

Nhằm thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, sản xuất giống có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ đầu tư dự án chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng CNC, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng CNC trong chế biến bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, quy hoạch 13 vùng nông nghiệp CNC với quy mô 4.306 ha, tập trung các sản phẩm chủ lực địa phương có thế mạnh sản xuất như: Vùng sản xuất nho, rau, mía, cây ăn quả, dê, cừu, tôm giống ứng dụng CNC... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động, gồm 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản, cho sản phẩm và mang lại hiệu quả khá tích cực.

Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện NInh Sơn. Ảnh: Hữu Phương

Toàn tỉnh hiện đã có 1 doanh nghiệp (DN) được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC đó là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố với sản phẩm măng tây xanh thực hiện tại xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), đang sản xuất quy mô 30 ha. Còn lại các đơn vị đang trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC, như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Năng Lượng Việt, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), đang sản xuất 26 ha dưa lưới; Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh, xã Phước Tiến (Bác Ái) sản xuất dưa lưới, bưởi da xanh, sầu riêng áp dụng công nghệ nhà màng, tưới tiết kiệm nước, diện tích trên 35 ha; Dự án Phát triển dược liệu, cây ăn quả chất lượng cao Nitatech, xã Phước Tiến (Bác Ái) với sản phẩm cây dược liệu với diện tích 26 ha tưới tiết kiệm nước, 4 ha nhà lưới nuôi trùn quế; Công ty Phát triển nông nghiệp Đà Lạt - Dự án trồng lan ứng dụng CNC, xã Quảng Sơn và Lâm Sơn (Ninh Sơn) đang sản xuất 7 ha hoa phong lan; Công ty Cổ phần Nắng và Gió, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), đang sản xuất 9 ha nho, 5 ha táo, 7 ha dưa lưới; Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận đang sản xuất 20 ha nho rượu; Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận, đang sản xuất 6 ha măng tây xanh; Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận, xã Phước Dinh (Thuận Nam) sản xuất 7 ha dưa lưới; Fara Farm Ninh Thuận, xã Nhị Hà (Thuận Nam), đang sản xuất dưa lưới mở rộng lên 5 ha. Trong lĩnh vực chế biến có Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đang sản xuất, chế biến sản phẩm nha đam.

Còn lại các DN vẫn đang trong giai đoạn sản xuất, mở rộng quy mô, chưa xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, đáng kể như các DN liên kết với hộ dân nuôi heo thịt và gà đẻ trứng với quy mô hàng chục nghìn con/trang trại. Nhiều DN thủy sản nuôi tôm giống lớn với lượng giống sản xuất hàng tỷ con tôm post mỗi năm, tiêu biểu như Công ty Cổ phần Đầu tư S.6, xã Tri Hải (Ninh Hải), Công ty TNHH Việt Úc Ninh Thuận, Công ty TNHH Giống thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Giống thủy sản Uni-President Việt Nam, xã An Hải (Ninh Phước) đang sản xuất cho sản lượng trên 2 tỷ con tôm post/năm. Bên cạnh đó, một số mô hình mới ứng dụng CNC như hộ dân sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP 26 ha, ở thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn (Ninh Sơn), hay mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại địa bàn xã Phước Bình (Bác Ái) của Công ty TNHH Đà Lạt Caviar cũng đang được kỳ vọng mang lại những giá trị mới, tích cực.

Nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong xu hướng phát triển, ngành Nông nghiệp đang đề xuất thu hút đầu tư khu vực hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC Thành Sơn - Phước Nhơn (bao gồm các xã: Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn; xã Phước Trung, huyện Bác Ái và xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) với tổng diện tích 1.194 ha, dự kiến quy hoạch để trồng dưa lưới, nho, táo, măng tây xanh, chăn nuôi dê, bò, cừu ứng dụng CNC; vùng sản xuất thuộc xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) với tổng diện tích quy hoạch 317,7 ha, vùng Phước Hòa (Bác Ái), Lương Sơn (Ninh Sơn), thuộc khu tưới hồ Sông Cái với tổng diện tích khoảng 300 ha dự kiến quy hoạch để trồng dưa lưới, nho, táo ứng dụng CNC.

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung đẩy mạnh các giải pháp xây dựng kế hoạch hỗ trợ thu hút đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng CNC; hoàn thành các quy hoạch phân khu vùng sản xuất tôm giống ứng dụng CNC An Hải, Sơn Hải và Nhơn Hải; phát triển sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, kêu gọi đầu tư và công nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC; kêu gọi đầu tư trong nông nghiệp, nhất là ưu tiên các dự án trồng và chế biến nho ứng dụng CNC để phấn đấu đến năm 2024 có sản phẩm xuất khẩu. Phấn đấu mỗi huyện triển khai đầu tư ít nhất 1 trang trại chăn nuôi ứng dụng CNC với các đối tượng nuôi được định hướng. Trên tinh thần đó, các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để sớm đầu tư đưa dự án vào hoạt động, gia tăng giá trị sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhằm cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt từ 30-40%/năm; có 3-5 vùng sản xuất được công nhận là vùng nông nghiệp ƯDCNC, với diện tích khoảng 1.000 ha, giá trị sản xuất đạt 700 triệu đồng/ha; có khoảng 30 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động có hiệu quả, sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường; tiến tới đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.