(NTO) Bước vào tháng 6, thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng, oi bức, độ ẩm không khí cao… là thời kỳ dễ bùng phát các dịch bệnh về đường tiêu hoá, đường hô hấp, sốt xuất huyết và một số dịch bệnh khác như cảm cúm, sởi…Nhưng trước sự chủ động giám sát dịch bệnh của ngành Y tế, đến nay tình hình dịch bệnh ở tỉnh ta tương đối ổn định và có chiều hướng giảm hơn so với năm 2010.
Cán bộ y tế phường Phước Mỹ, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm tiêm vắc –xin sởi bổ sung cho trẻ.
Đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh
Với mục tiêu không để dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2011, ngoài việc chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn là Trung tâm Y tế Dự phòng, các bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở, thuốc men, hóa chất, nguồn nhân lực, phương tiện cấp cứu để thu dung điều trị bệnh nhân, ngành Y tế còn phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo chất lượng VSATTP cho người tiêu dùng. Đối với 13 xã, phường có nguy cơ xảy ra dịch bệnh hàng năm, ngành kịp thời giám sát, khoanh vùng để phun hóa chất, diệt lăng quăng để xử lý triệt để các ổ dịch. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh ở tỉnh ta đến nay tương đối ổn định và có chiều hướng giảm hơn so với năm 2010.
Nâng cao tính chủ động của cộng đồng
Đến đầu tháng 6-2011, tình hình dịch bệnh ở tỉnh ta vẫn chưa có những biểu hiện bất thường, nhưng trước những diễn biến phức tạp của thời tiết hiện nay, ngày nắng nóng, đêm mưa, cộng với tình hình bùng phát hội chứng tay, chân, miệng đang có chiều hướng gia tăng tại các tỉnh, thành phía Nam càng cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong mùa hè, nhất là bệnh tay, chân, miệng và sốt xuất huyết ở tỉnh ta là rất cao. Vì thế, trong điều kiện hiện nay, ngoài việc giám sát và can thiệp của ngành Y tế thì mỗi gia đình, mỗi người dân cần có ý thức cao trong việc phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng là điều rất cần thiết.
Theo Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Việc tổ chức phun hóa chất chỉ là giải pháp tạm thời bởi không diệt được tận gốc dịch bệnh. Quan trọng nhất là người dân phải biết nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh bằng cách thường xuyên súc rửa các dụng cụ chứa nước trong gia đình; phải ăn chín, uống chín; giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh xung quanh nơi ở để diệt muỗi, bọ gậy và các loại vi khuẩn dễ lây lan. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình cùng vào cuộc, tăng cường vai trò chỉ đạo, đưa mục tiêu phòng, chống dịch vào kế hoạch hoạt động của địa phương, đơn vị mình có như vậy công tác phòng, chống dịch bệnh mới đạt hiệu quả cao. Một điểm cần lưu ý nữa, đó là khi phát hiện có dấu hiệu của bệnh thì người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh để biến chứng gây tử vong đáng tiếc.
Văn Thanh