Đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trong 7 tháng năm 2022 tình hình kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD) là tín hiệu vui trong sự phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19 khó lường và giá cả xăng, dầu biến động liên tục. Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, đồng thời quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN để phát triển SXKD.

Nhiều khó khăn tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh

Sau khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, các DN đã thích ứng linh hoạt, kiểm soát được dịch bệnh và từng bước phục hồi SXKD, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động không nhỏ đến thị trường thế giới và trong nước, các DN trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn khi giá xăng, dầu, than, vật liệu xây dựng tăng tác động trực tiếp tới SXKD. Nhiều DN đã phải thông báo tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 144 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 32,1% so cùng kỳ, 41 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Sản xuất nha đam tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Ảnh: Hồng Nguyệt

Qua khảo sát, hầu hết các DN trong tỉnh đang gặp khó khăn do nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất tăng cao, trong khi đó sản phẩm sản xuất ra lại tiêu thụ chậm. Lãi suất ngân hàng còn cao, việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn lao động ở một số DN. Trong những tháng đầu năm, giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm tăng từ 30-50% so với cùng kỳ năm trước, khiến cho các DN thuộc nhóm ngành chế biến thực phẩm chịu ảnh hưởng dễ thấy nhất.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, cho biết: Công ty sản xuất chế biến sản phẩm từ nông nghiệp với nguyên liệu chính là lá nha đam. Trước ảnh hưởng của xung đột Nga và Ukraine đã làm giá cả giá vật tư, phân bón tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến bà con nông dân. Để hỗ trợ và đồng hành cùng bà con, Công ty đã liên tục điều chỉnh giá mua lá nha đam trước những biến động của thị trường, hiện tại Công ty thu mua với giá 2.200 đồng/kg tại vườn. Để kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, ngay từ những tháng đầu năm, Công ty đã đàm phán với nhà cung cấp đưa ra dự báo về đơn đặt hàng và ký hợp đồng bao tiêu cho nhà cung cấp chuẩn bị nguyên vật liệu để ổn định giá nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, đa dạng nhà cung ứng cũng như vùng cung ứng để tối đa hóa chi phí vận chuyển và chủ động hạn chế việc thiếu nguồn cung cho sản xuất.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thuận, để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, ngoài việc DN chủ động đưa ra các giải pháp hữu hiệu, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ như: Có các gói giảm lãi suất vay đặc biệt là các DN xuất khẩu; hỗ trợ thêm nguồn tài trợ hoặc gói vay ưu đãi cho DN đổi mới, cải tiến dây chuyền sản xuất, đồng thời xúc tiến các kênh bán hàng, phân phối, quảng bá, kết nối các DN cung ứng sản phẩm trong nước để DN có thêm cơ hội đưa hàng hóa ra thị trường, giảm bớt áp lực về nguyên liệu đầu vào.

Gỡ khó từ cơ chế, chính sách

Nhằm đồng hành cùng các DN, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, trong đó có DN nhỏ và vừa. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai, chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, xác định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, tham mưu với UBND tỉnh tìm giải pháp hỗ trợ DN SXKD. Đến nay, đa số các chính sách đã được triển khai đến các DN, hộ kinh doanh, cá nhân và người lao động, có 9/15 chính sách hỗ trợ đã được thực hiện, với 2.532 DN, hộ kinh doanh với hơn 724 tỷ đồng và 1.366 cá nhân, hộ gia đình với 28,5 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho DN, người dân để phục hồi và phát triển SXKD.

Hàng loạt các giải pháp đã được các ngành chức năng thực thi một cách hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Nhóm hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh gồm 8 chính sách với các giải pháp như: Miễn, giảm, gia hạn thuế; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; giảm lệ phí trước bạ; gia hạn thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng; giảm lãi suất, hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay thương mại cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cơ cấu thời hạn trả nợ...

Đến nay, Cục Thuế tỉnh đã giảm thuế giá trị gia tăng cho 865 DN với 93.331 triệu đồng và 216 hộ kinh doanh với 135 triệu đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với 796 trường hợp với 23 tỷ đồng. Đối với nhóm chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai các nhóm chính sách. Qua đó, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 443 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại là 540 tỷ đồng, trong đó có 58 DN với 413 tỷ đồng và 385 hộ kinh doanh, cá nhân với 127 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 10 khách hàng với 39 tỷ đồng, trong đó có 4 DN với 12 tỷ đồng và 6 hộ kinh doanh, cá nhân với 27 tỷ đồng, số tiền lãi đã được miễn giảm lũy kế 0,34 tỷ đồng. Qua chương trình hỗ trợ lãi suất, nhiều khách hàng đã từng bước tiếp cận được nguồn vốn, mở rộng SXKD.

Dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của cộng đồng DN, kỳ vọng hoạt động SXKD tiếp tục được duy trì, đưa nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.