Từ kết quả thống kê, cho thấy qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, hệ thống y tế công lập trong tỉnh đã đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn, tập trung đầu mối, nhằm tăng cường nguồn lực của ngành. Đến năm 2015, toàn ngành Y tế có 32 đơn vị tuyến tỉnh, tuyến huyện và 65 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Qua kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XII), đến nay toàn ngành còn 18 đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, huyện và 59 trạm y tế xã, phường thuộc trung tâm y tế huyện, thành phố, giảm 14 đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, huyện và 6 trạm y tế xã, phường so với năm 2015. Riêng về nguồn nhân lực, từ năm 2008 đến nay, tăng dần về số lượng và chất lượng, từ 1.643 người, tăng lên 2.851 người. Trong đó, bác sĩ tăng từ 284 người lên 490 người; dược sĩ tăng từ 12 người lên 71 người; đạt tỷ lệ 10,2 bác sĩ/10.000 dân, dược sĩ đạt 2,4 dược sĩ/10.000 dân.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ, lãnh đạo ngành chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, viên chức. Đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng 65 bác sĩ chuyên khoa II; 173 thạc sĩ chuyên khoa I; 134 bác sĩ, 433 đại học khác; 140 lý luận chính trị; 255 quản lý nhà nước và hơn 2.000 lượt đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn khác. Đến nay, cán bộ y tế toàn ngành có trình độ sau đại học 258 người, chiếm 9%; trình độ đại học 1.240 người, chiếm 43,5%, trình độ cao đẳng 396 người, chiếm 13,9%; trình độ trung cấp và tương đương 957 người, chiếm 33,6%.
Song song đó, công tác trọng dụng, tôn vinh và đãi ngộ trí thức cũng luôn được quan tâm thực hiện, thông qua thực hiện chính sách thu hút nhân lực y tế có trình độ đại học và sau đại học chuyên ngành Y về làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã kịp thời đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) cho Nhân dân. Chỉ trong giai đoạn 2010-2018, Sở Y tế đã triển khai chính sách, thu hút được 61 người (6 bác sĩ chuyên khoa I; 50 bác sĩ và 5 đại học khác), với nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước trên 7,3 tỷ đồng; ngoài việc được nhận số tiền hỗ trợ ban đầu, cán bộ y tế về tỉnh công tác còn được hưởng chính sách ưu tiên giao đất làm nhà ở có thu tiền sử dụng đất theo đề án thu hút của tỉnh nếu cá nhân có nhu cầu.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện kỹ thuật “Bít ống động mạch bằng dù” cho bệnh nhân dưới sự hướng dẫn
của bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Uyên Thu
Ngoài ra, trong nhiều năm qua, ngành Y tế đã ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất, tạo môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của đội ngũ y, bác sĩ. Nhiều cơ sở KCB được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó tạo điều kiện cho ĐNTT phát huy khả năng ứng dụng công nghệ cao để phục vụ công tác KCB, nghiên cứu khoa học. Qua thống kê, hằng năm có khoảng 200 đề tài nghiên cứu khoa học được ĐNTT triển khai chủ trì, thực hiện và áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng KCB cho Nhân dân.
Đặc biệt, ngành đã tập trung các giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng khám, điều trị cho y, bác sĩ các cơ sở y tế, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật chuyên môn sâu, kỹ thuật mới. Thông qua công tác chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật cao trong công tác khám và điều trị. Các bác sĩ đã thực hiện thuần thục được nhiều kỹ thuật khó, phát triển các kỹ thuật tạo nên thương hiệu cho bệnh viện như: Tim mạch can thiệp; điều trị ung thư gan bằng phương pháp TOCE và đốt điện điều trị ung thư gan RFA; phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng; phẫu thuật nội soi ung thư đại tràng, các dị tật bẩm sinh ở trẻ em và sơ sinh... Hằng năm, các bệnh viện tuyến tỉnh đã tổ chức khảo sát chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật cho nhân viên y tế tại trung tâm y tế huyện về các nội dung thiết thực như các kỹ thuật cấp cứu, chuyển viện an toàn, xử trí ban đầu, xử trí các tai biến chuyên khoa thường gặp, xét nghiệm thường quy... Đến nay, toàn ngành đang ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, trong khám bệnh và trong phòng, chống dịch bệnh. Từng bước ứng dụng nền tảng quản lý hồ sơ sức khỏe trong KCB bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử; đang triển khai thực hiện bệnh án điện tử...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể như: Công tác xây dựng ĐNTT chưa thật toàn diện; cơ cấu ĐNTT phân bố không đều, còn một số bất hợp lý về độ tuổi, giới tính. Năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của ĐNTT chưa đồng đều; tuy đa số trí thức tâm huyết, phát huy được trình độ, năng lực và có nhiều cống hiến, nhưng còn một bộ phận cán bộ y tế về trình độ, năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả công tác chưa cao, thiếu tính chuyên nghiệp. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 xảy ra, các đơn vị đều gặp các khó khăn về nhân lực, nhất là y tế cơ sở do phải vừa chống dịch, vừa phải đảm bảo công tác thường xuyên. Các chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng trí thức còn hạn chế nên chưa thu hút được lực lượng trí thức có học hàm, học vị cao, cán bộ chuyên môn giỏi. Các cơ sở KCB chưa có điều kiện tăng thu nhập đủ sức thu hút, “giữ chân” bác sĩ giỏi công tác lâu dài, tình trạng bác sĩ trong ngành xin nghỉ việc vẫn còn phổ biến và đang có xu hướng gia tăng trong những năm trở lại đây.
Trong thời gian tới, nhằm phát triển ĐNTT và duy trì bền vững nhân lực chuyên môn chất lượng cao, ngành Y tế cần có chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ bác sĩ sau đại học, đào tạo chuyên sâu, đặc biệt là có lực lượng bác sĩ trẻ. Cấn kết nối, tận dụng được sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên để đáp ứng nhu cầu KCB cho nhân dân tỉnh nhà và các tỉnh lân cận. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ về quản lý, về chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ trẻ, giàu nhiệt huyết, phát huy được trí tuệ, năng lực sáng tạo, khả năng tiếp cận và từng bước làm chủ kỹ thuật mới; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kế cận cho các giai đoạn phát triển tiếp theo. Đối với trung ương, cần nghiên cứu đổi mới chính sách về chế độ tiền lương, điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên y tế; sớm xem xét điều chỉnh giá dịch vụ KCB theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí để cơ sở KCB được giao tự chủ tài chính bảo đảm đủ kinh phí hoạt động và chi trả thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động. Đối với tỉnh, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế, đặc biệt hỗ trợ kinh phí cho các bác sĩ học sau đại học bằng nguồn ngân sách của tỉnh.
Nhật Nguyên