Với ưu điểm nguồn vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, nên các hoạt động cho vay vốn TDCS là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình. Đơn cử như gia đình chị Phạm Thị Hiệp, khu phố 6, phường Đô Vinh được Hội Cựu chiến binh phường nhận ủy thác với NHCSXH tỉnh vay 40 triệu đồng đầu tư chăn nuôi dê sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay kinh tế gia đình chị đã dần ổn định, có thêm điều kiện nuôi con ăn học. Được đà “tiếp sức” từ NHCSXH tỉnh, gia đình chị Hiệp tiếp tục vay vốn 50 triệu đồng mở rộng diện tích sản xuất từ 7 sào lên 1,5 ha lúa, phát triển thêm đàn dê sinh sản. Nhờ vậy, đời sống kinh tế gia đình chị Hiệp ngày càng khấm khá, thoát nghèo bền vững. Từ các hoạt động cho vay vốn TDCS của NHCSXH tỉnh, 20 năm qua không chỉ tạo điều kiện cho chị Hiệp mà còn cho 7.456 lượt hộ thoát nghèo bền vững và vươn lên phát triển kinh tế.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.
Từ 1 chương trình nhận bàn giao với tổng dư nợ gần 2,4 tỷ đồng khi mới thành lập (4-2003). Qua 20 năm phát triển, đến nay NHCSXH tỉnh đã có 15 chương trình cho vay với tổng dư nợ 397.576 tỷ đồng, tăng 15,59 lần so với năm 2003. Nguồn vốn TDCS đã phủ kín tất cả 115 thôn, khu phố trên toàn thành phố, trở thành “bà đỡ” giúp cho 70.439 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, NHCSXH tỉnh chuyển tải nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng. Để vốn TDCS đến được đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả, chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội. Chú trọng kiểm tra, giám sát tại cơ sở cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nhằm hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất, sử dụng đồng vốn hiệu quả gắn với các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Toàn thành phố hiện có 262 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ ủy thác 379,98 tỷ đồng, chiếm 95,6% tổng dư nợ. Tỷ lệ thu lãi qua 20 năm đạt 98%.
Cùng với các chương trình cho vay phát triển kinh tế đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong 20 năm qua, NHCSXH tỉnh phối hợp với các địa phương trên địa bàn thành phố giải ngân cho vay đối với 11.835 trường hợp thuộc diện chính sách xã hội khác. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho trên 49.680 lao động, hỗ trợ học tập cho 11.039 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, xây mới và cải tạo 2.219 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng, sửa chữa 44 ngôi nhà cho hộ nghèo; 14 lao động đi xuất khẩu lao động; cho 128 hộ vay mua nhà ở xã hội...
Ngoài ra, NHCSXH tỉnh cũng đang tập trung triển khai cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, ngân hàng đã giải ngân hỗ trợ vốn ưu đãi cho 14 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, giúp 6 doanh nghiệp với 1.710 lao động tiếp tục hoạt động, 21 học sinh, sinh viên có điều kiện mua sắm thiết bị phục vụ học tập...
Kết quả trên đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10% (giai đoạn 2002-2005) xuống còn 8,4%. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo thành phố chỉ còn 1,58%.
Ông Nguyễn Văn Cúc, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh, phụ trách TDCS Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới đơn vị tiếp tục tập trung duy trì chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc công tác thu hồi nợ; phấn đấu thu lãi đạt trên 99% kéo giảm nợ xấu, nợ quá hạn trên địa bàn xuống mức thấp nhất theo kế hoạch. Phấn đấu hướng tới hoàn thành mục tiêu đảm bảo cung cấp dịch vụ TDCS tới 100% người nghèo và các đối tượng thụ hưởng khác, phấn đấu tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm từ 7-10%.
Mỹ Dung