Trở lại xã vùng cao Phước Hà vào những ngày đầu tháng 8, chúng tôi được sống trong không gian thanh bình no ấm của đồng bào Raglai gắn bó với nghề mây tre đan. Ngồi bên hiên nhà, chị Ané Thị Thủy, thôn Rồ Ôn chăm chú đan những chiếc nan lồ ô hoàn thành tấm cà tăng kịp giao theo đơn đặt hàng của thương lái. Để hoàn thành một tấm cà tăng có chiều ngang 1-2 m, chiều dài 8 m, chị phải mất thời gian một tuần lên núi lấy nan và hơn 10 ngày đan ròng rã với hàng ngàn chiếc nan đan “long mốt” gắn kết bền chặt theo bàn tay cần mẫn của người thợ. Thương lái lên Phước Hà trực tiếp thu mua của người thợ đan với giá 150.000 đồng/m, chiếc cà tăng dài 8 m bán được 1,2 triệu đồng. Anh Pô Pôn Minh, chồng chị Thủy là thợ đan gùi “cha truyền con nối” ở thôn Rồ Ôn. Để hoàn thành một chiếc gùi, anh Minh mất thời gian khoảng một tuần lên núi chặt là a, rồi ra nan và đan lát hoàn thành bán được 400.000-450.000 đồng/chiếc.
Chị Ané Thị Thủy giữ nghề mây tre đan ở xã vùng cao Phước Hà.
Ngoài nghề đan lát truyền thống, vợ chồng chị Thủy còn canh tác 2 sào ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Tân Giang và nuôi 2 con bò nái sinh sản. Nhờ nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp kết hợp nghề mây tre đan bảo đảm cuộc sống gia đình ổn định và nuôi con gái út là Ané Thị Vải, học sinh lớp 7 của Trường THCS Dân tộc nội trú Ninh Phước. “Từ lúc 15 tuổi chị được mẹ ruột là bà Ané Thị Cò truyền dạy nghề mây tre đan. Đây là nghề truyền thống của ông bà xưa truyền lại, con cháu cố gắng giữ lấy nghề mây tre đan. Nghề đan lát tuy chưa thể làm giàu nhưng có thu nhập ổn định vào những tháng nông nhàn trang trải sinh hoạt gia đình”, ngừng tay đan tre, chị Thủy cho biết.
Chia tay chị Ané Thị Thủy, chúng tôi đến thôn Là A thăm nghệ nhân Tạ Yên Tình. Anh đang tỉ mỉ đan từng nút mây rừng vàng óng trên chiếc vành tre nhuộm vỏ cây rừng đen thẫm của chiếc gùi nhỏ xinh xắn. Anh Tình là nghệ nhân đan gùi đẹp nổi tiếng ở xã vùng cao Phước Hà. Những chiếc gùi đan đường nét tinh xảo do anh Tình đan được bà con mua đi rẫy, du khách mua làm quà trưng bày trong gia đình, phục vụ tiết mục múa trong các chương trình văn nghệ. Anh Tình cho biết vật liệu chính để đan gùi là cây là a, đan nia là cây lồ ô và dây mây dúi bò trên núi cao, cách thôn Là A khoảng một ngày đường đi bộ. Khó nhất của nghề đan lát là người thợ đan phải biết vót nan có độ dày bằng nhau, trăm sợi đều như một sợi, đan ra sản phẩm mới tinh xảo. Anh dùng nhựa cây Ta- nung có màu đen nhánh nhuộm nan là a và các thanh tre trụ đỡ 4 góc gùi tạo nên sắc màu hoa văn cho chiếc gùi thêm duyên dáng, bền đẹp. Mỗi chiếc gùi tùy theo kích thước do anh Tình đan bán cho bà con với giá trung bình 250.000-450.000 đồng/chiếc. Anh Tình mất khoảng một tuần lên núi cao lấy là a ra nan đan lát hoàn thành một chiếc gùi. Thanh niên trong làng đến học nghề mây tre được anh Tình tận tâm truyền dạy với ước mong tích cực, góp phần tham gia gìn giữ nghề mây tre đan truyền thống của ông bà xưa truyền lại.
Đồng chí Tạ Yên Mơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà cho biết, mây tre đan là nghề truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Bà con đan rất nhiều sản phẩm từ mây tre phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt gia đình thường ngày. Do nguồn nguyên liệu mây tre ngày càng khan hiếm, lực lượng lao động trẻ rời làng vào làm việc trong các nhà máy nên nghề mây tre đan đang dần mai một. Toàn xã hiện có 10 hộ, với 20 lao động gắn bó với nghề mây tre đan. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phước Hà, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đẩy mạnh và phát triển tiểu thủ công nghiệp theo hướng mở rộng quy mô, đặc biệt là phát triển ngành nghề truyền thống đan lát và xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân.
Sơn Ngọc