Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8) Nỗ lực xoa dịu nỗi đau da cam

Có nỗi đau nào hơn nỗi đau da cam? Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương do chất độc hóa học gây ra vẫn còn đó. Xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng ai, mà là lương tâm và trách nhiệm của mỗi chúng ta, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Nỗi đau da cam vẫn hiện hữu

Ngày 10-8-1961, chuyến bay đầu tiên mang chất diệt cỏ đã rải dọc Quốc lộ 14, phía Bắc thị xã Kon Tum, mở màn cho cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học của Mỹ xuống chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong suốt 10 năm sau đó, khoảng 80 triệu lít hóa chất, bao gồm 20 loại chất độc khác nhau, được Mỹ sử dụng khắp các chiến trường.

Đã hơn 60 năm kể từ khi thảm họa da cam/dioxin xảy ra ở Việt Nam, song những mất mát, đau thương mà thảm họa này gây ra trên đất nước ta còn vô cùng nghiêm trọng, nghiệt ngã, với hậu quả, di chứng nặng nề, ảnh hưởng nhiều thế hệ: “Em có mắt nhưng em không thể ngắm nhìn. Đôi môi xinh nhưng em không thể cười nói. Em có đôi tay nhưng em không thể nâng niu. Em có đôi chân nhưng em không thể bước. Em có đôi tay nhưng đôi tay không thể ôm ấm. Em có trái tim nhưng tim em còn đang thoi thóp...” (Nước mắt màu da cam). Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Việt Nam, đến nay, cả nước vẫn còn hàng trăm nghìn nạn nhân CĐDC; trong đó, hàng trăm nghìn người từng tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học; khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; khoảng 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và đã có những nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Có 70% số gia đình nạn nhân CĐDC thuộc hộ đói nghèo; 90% số nạn nhân CĐDC không có chuyên môn, nghề nghiệp. Vì vậy, phần lớn họ sống trong đau khổ, bệnh tật, đói nghèo - “Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”.

Máy bay UC-123 rải chất độc da cam tại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Nói về di chứng của CĐDC, Giáo sư Vũ Quý, nhà khoa học có hơn 30 năm nghiên cứu hậu quả chất độc dioxin cho biết: Không có nỗi đau nào khủng khiếp và nguy hiểm như nỗi đau da cam. Nó đẩy con người vào hoàn cảnh cùng cực. Dioxin là loại chất độc di truyền qua phủ tạng kéo dài, đau đớn hết đời này qua đời khác. Hàng chục loại bệnh nguy hiểm hành hạ người nhiễm, hành hạ đến chết vẫn chẳng buông tha, hành hạ tiếp con cháu của họ. Các thế hệ sau ra đời từ dòng máu của người bố bị nhiễm CĐDC càng bi thảm hơn.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Nỗi đau của nạn nhận CĐDC/dioxin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới!

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với nạn nhân CĐDC. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, việc quan tâm, chăm lo đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân CĐDC nói riêng, luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân thực hiện bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm. Nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả CĐDC đã được triển khai. Nổi bật là chính sách đối với việc giải quyết hậu quả CĐDC/dioxin theo Thông báo số 69-TB/TW ngày 5-7-2002 của Bộ Chính trị; một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, theo Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 5-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ...

Hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC.

Hiện toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân CĐDC được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm nghìn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân CĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục nghìn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của CĐDC được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Chính sách đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của những người hoạt động kháng chiến nhiễm CĐDC và nhân dân trong vùng bị phun rải có được cuộc sống ổn định, ngang với mức sống bình thường của người dân ở khu vực cùng sinh sống.

Cùng với đó, hằng năm, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã vận động, huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp nạn nhân CĐDC làm nhà, sửa chữa nhà, phục hồi chức năng, khám, chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất..., cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội... Riêng Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, kể từ khi thành lập (tháng 1-2004) đến nay, số tiền vận động Quỹ nạn nhân CĐDC đạt hơn 2.660 tỷ đồng.

Cả nước hiện có 12 làng Hòa Bình, làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng CĐDC.

Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã và đang hoạt động tích cực nhằm giảm tỷ lệ sinh con dị tật. Một số địa phương đã tiến hành điều tra tổn thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho nạn nhân CĐDC.

Cùng với việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin còn luôn đồng hành và thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam được tiến hành bằng nhiều hình thức đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ năm 2007, Quốc hội Mỹ đã chính thức phê duyệt cho Chính phủ Mỹ một khoản ngân sách hằng năm để tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ đã sử dụng các khoản ngân sách được phê duyệt để thực hiện chương trình tẩy độc môi trường ở các “điểm nóng” tại Việt Nam: Năm 2018, đã hoàn thành tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng và chuyển sang thực hiện chương trình tẩy độc ở sân bay Biên Hòa. Chính phủ Mỹ cũng đã thực hiện chương trình hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân CĐDC giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí là 21 triệu USD và đang xúc tiến thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí 65 triệu USD ở một số tỉnh bị phun rải nặng chất độc hóa học trong chiến tranh. Phía Mỹ (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) đang tăng cường phối với VAVA để thực hiện chương trình này.

Tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và bạn bè quốc tế..., nỗi đau da cam sẽ vơi dần theo năm tháng; sẽ có thêm nhiều nạn nhân CĐDC và gia đình từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Theo TTXVN