Ông Phùng Đình Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 22 hồ chứa, với tổng dung tích thiết kế 414,29 triệu m3. Trong mấy ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh có mưa, nên các hồ đạt mực nước trên 50% dung tích và có một số hồ gần đầy. Tính đến ngày 5-8, Công ty đã chủ động hạ thấp mực nước qua tràn tại các hồ có lưu vực rất rộng, nguồn nước về lớn nhằm đảm bảo an toàn cho các hồ chứa và ổn định nước sản xuất trước mùa mưa lũ năm 2022. Cụ thể, hồ Tân Giang (Thuận Nam) có dung tích thiết kế 13,39 triệu m3, đang xả lũ với tốc độ 7,43 m3/s; hồ Sông Sắt (Bác Ái) có dung tích 69,33 triệu m3, đang xả 1,28 m3/s, hồ Trà Co (Bác Ái) có dung tích thiết kế 10,1 triệu m3, đang xả 13,17 m3/s; hồ Cho Mo (Ninh Sơn) dung tích thiết kế 8,8 triệu m3, đang xả 1,82 m3/s...
Hồ Tân Giang (Thuận Nam) đang xả lũ.
Ông Phùng Đình Thanh chia sẻ thêm, trước thực trạng mưa lũ đang diễn biến phức tạp, Công ty đã phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), theo dõi từng địa bàn cụ thể. Riêng tại mỗi hồ chứa, phân công cho một đồng chí trưởng hoặc phó trạm thủy nông trực tiếp túc trực 24/24 giờ để chỉ đạo lực lượng cán bộ, công nhân viên tham gia công tác PCTT&TKCN. Bên cạnh đó, Công ty chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi và các địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. Chủ trì phối hợp với các địa phương họp thống nhất quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương vùng hạ du chịu ảnh hưởng khi các hồ vận hành điều tiết xả lũ để đúc rút kinh nghiệm trong công tác PCTT&TKCN, đồng thời thống nhất kế hoạch phối hợp hành động khi có thiên tai xảy ra.
Đối với các hồ chứa vận hành điều tiết xả lũ bằng cửa van, Công ty thường xuyên thực hiện công tác bảo dưỡng và vận hành thử tất cả các thiết bị xả lũ. Kiểm tra và tu sửa kịp thời các thiết bị cơ khí của tràn xả lũ bị hư hỏng. Trang bị đầy đủ máy phát điện, bình ắc quy để phục vụ công tác dự phòng trong trường hợp mất điện. Chuẩn bị tại kho và các hồ, đập các loại vật tư, vật liệu dự phòng, dụng cụ, trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết đủ cho sinh hoạt từ 15 đến 20 ngày khi có sự cố bị chia cắt trong mùa mưa lũ. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn đập, hồ chứa nước để phát hiện hư hỏng, kịp thời tu sửa nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Xây dựng các phương án bảo vệ đập, hồ chứa, ứng phó thiên tai và các tình huống khẩn cấp theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước để kịp thời chủ động khi có mưa lũ xảy ra. Tiếp tục bố trí trong kế hoạch từ nguồn vốn hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích để thực hiện đúng quy định pháp luật về an toàn đập, lắp đặt thiết bị cảnh báo thông tin khi xả lũ hồ chứa, tu sửa, khắc phục một số hư hỏng tại các hồ chứa như đắp đất mái hạ lưu hồ, sửa chữa cống lấy nước. Chủ động khai thác, vận hành hiệu quả các thiết bị quan trắc lượng mưa, mực nước tự động ở các hồ chứa và các đập dâng; ứng dụng phần mềm cảnh báo sớm Sông Dinh phục vụ công tác điều tiết, vận hành xả lũ các hồ chứa. Ngoài ra, Công ty còn bố trí lực lượng, vật tư sẵn sàng và phối hợp với các địa phương thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó các tình huống khẩn cấp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với những phương án, giải pháp đề ra cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Công ty, trong vụ tới, cán bộ, công nhân, kỹ thuật sẽ vận hành an toàn các hồ chứa đảm bảo 100% cho người dân có đủ nước sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi...
Văn Nỷ