Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Cú huých” đưa Ninh Thuận phát triển sánh ngang các địa phương trong khu vực

Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN) vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Nghị quyết số 39) được tỉnh ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, ngày càng đi vào cuộc sống. Qua 18 năm triển khai thực hiện, diện mạo vùng nói chung, Ninh Thuận nói riêng đã có nhiều khởi sắc, đời sống Nhân dân liên tục được cải thiện.

Hợp tác, liên kết vùng là “chìa khóa” phát triển

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 39 ngày 18-6-2004 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức quán triệt đến từng cấp ủy đảng và ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện. Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã xây dựng kế hoạch thực hiện với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phù hợp với nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết số 39, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng và xem đây là “chìa khóa” để phát triển. Tỉnh duy trì và tăng cường hợp tác với các địa phương trong khu vực tiểu vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tạo điều kiện huy động, thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trên cơ sở chương trình hợp tác, các địa phương đã phối hợp đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực, tạo “môi trường” thông thoáng để thực hiện các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với liên kết vùng nên trong những năm qua, KT-XH của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ; nhiều tiềm năng, lợi thế được nhận diện rõ hơn. Tỉnh đã chủ động chuyển hướng chiến lược phát triển từ trục tăng trưởng chính 2 nhà máy điện hạt nhân sang tập trung ưu tiên phát triển các ngành đột phá về năng lượng tái tạo, du lịch biển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển và các dự án động lực thay thế, tạo được chuyển biến khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tăng tưởng ấn tượng, giai đoạn 2005-2021 mức tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,77% cao hơn tốc độ tăng bình quân khu vực miền Trung và cả nước; thu ngân sách từ 236 tỷ đồng năm 2002 tăng lên 4.344 tỷ đồng năm 2021 (tăng gấp 18,4 lần). Thu nhập bình quân đầu người năm 2004 thuộc nhóm thấp nhất cả nước, đến năm 2021 đã rút ngắn khoảng cách chênh lệch, đứng thứ 37/63 so với cả nước và đứng thứ 4/14 tỉnh trong vùng duyên hải miền Trung. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư các thành phần kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 1.190 tỷ đồng năm 2004 lên 29.920 tỷ đồng năm 2021 (tăng gấp 25,1 lần), bình quân giai đoạn 2005-2020 tăng 22,2%/năm.

Cảng Ninh Chữ (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ

Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; nông thôn mới khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 1,5-2%, đến cuối năm 2021 còn 4,56% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Tiếp tục đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp

Theo đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, sau 18 năm tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết số 39, tỉnh đã tập trung hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực miền Trung để phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. KT-XH phát triển mạnh mẽ hơn, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của bà con nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, về cơ bản, Ninh Thuận có nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng khá và ổn định; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nhiều bước tiến. QP-AN được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả khá toàn diện…

Xác định Nghị quyết số 39 và sau này là Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 là một trong những chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các tỉnh miền Trung nói chung và Ninh Thuận nói riêng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp, ngành, địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo phát triển của Trung ương, của tỉnh, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Trong đó chú trọng xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển KT-XH theo hướng nhanh, bền vững. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và trọng điểm của tỉnh. Tăng cường liên kết vùng, trong đó tập trung giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn lực; tập trung phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hướng đến thành lập khu kinh tế ven biển; phát triển các vùng kinh tế đặc thù. Thúc đẩy phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời thực hiện tốt công tác dân vận và quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.