Có mặt tại công trường hầm Núi Vung trên tuyến cao tốc trong những ngày hè nắng nóng, chúng tôi cảm nhận được không khí thi công trên công trường rất khẩn trương. Không chỉ tập trung nhiều mũi thi công với lượng phương tiện máy móc, nhân lực lớn, các điểm thi công hạng mục đặc biệt khó như đào hầm Núi Vung được sử dụng các máy móc, thiết bị chuyên dụng hiện đại để đào đất và phun bê tông tươi kiên cố thành hầm, một cách nhịp nhàng, chuyên nghiệp. Theo đại diện đơn vị chủ đầu tư, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng là dự án ký hợp đồng BOT sau cùng trong ba dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) cao tốc Bắc - Nam nhưng là dự án đầu tiên thu xếp đủ nguồn vốn và triển khai thành công tính đến thời điểm hiện tại.
Ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết: Dự án khởi công vào ngày 30-11-2021, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho dự án đạt 100% (78,5 km), hiện còn một số vướng mắc cục bộ đang giải quyết. Để đảm bảo tiến độ thi công đơn vị đã huy động gần 1.500 người lao động phục vụ dự án, đồng thời đầu tư mua sắm, huy động máy móc, thiết bị đầy đủ cho các dây chuyền, các mũi thi công. Bên cạnh đó, thời gian qua, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế cũng như đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công dự án.
Nhiều máy móc, thiết bị hiện đại được huy động để thi công hạng mục hầm Núi Vung.
Theo kế hoạch Dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có thời gian thi công 24 tháng, riêng hạng mục hầm Núi Vung là 30 tháng. Tuy nhiên, nhà thầu đang hạ quyết tâm sẽ đưa dự án về đích sớm hơn dự kiến khoảng 3 tháng, cơ bản hoàn thành thông tuyến vào tháng 12-2023. Đến thời điểm hiện tại, phân đoạn từ Km 92+260 - Km 134 do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện đạt 19,61% giá trị sản lượng, vượt tiến độ 105%; phân đoạn Km 54 - Km 92+260 do Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng 194 thực hiện được 13,2% so với kế hoạch.
Ông Đặng Tiến Thắng, cho biết thêm: Để sớm đưa dự án vào vận hành khai thác rất cần các cấp, ngành hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc một số nội dung như: Dự án chịu tác động tiêu cực trước biến động tăng giá đột biến các loại vật liệu xây dựng, do đó kiến nghị Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 85 bổ sung nội dung hợp đồng khi chỉ số giá xây dựng trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá để tính dự phòng, điều chỉnh các loại vật liệu thiết yếu. Trường hợp kinh phí Nhà nước không bố trí thêm cho dự án, cần được xem xét điều chỉnh thời gian thu phí tương ứng với khoản chi phí mà nhà đầu tư bỏ ra bù khoản trượt giá này. Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận điều chỉnh kết cấu mặt đường từ sử dụng mặt đường bê tông nhựa thường loại 60/70 thành kết cấu mặt đường polime để phù hợp với khí hậu nắng nóng quanh năm như ở tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, xem xét cho ý kiến xử lý một số vướng mắc, hạng mục phát sinh, chấp thuận vị trí trạm dừng kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ, cứu nạn để thống nhất với địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và chủ động ứng nguồn kinh phí thực hiện đảm bảo tiến độ.
Để dự án hoàn thành đúng kế hoạch, Bộ GTVT đã chỉ đạo liên danh các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đẩy nhanh tiến độ thi công. Mặt khác, tổ chức các đoàn công tác đi thị sát, kiểm tra, đôn đốc tại các đoạn tuyến, công trình. Trong đợt kiểm tra dự án cao tốc đoạn qua địa bàn Ninh Thuận gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các nhà đầu tư, đơn vị thi công, địa phương đã khắc phục khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công thực hiện dự án. Đồng thời lưu ý các đơn vị thi công chú ý đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn lao động trong thi công. Các địa phương, nhà thầu và đơn vị thi công cần phối hợp chặt chẽ để khắc phục sớm những tồn tại, hạn chế; đảm bảo chất lượng, an toàn trong công tác thi công và tiến độ Dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo đúng kế hoạch đề ra.
Anh Tuấn