(NTO) Hơn 40 hộ dân sống ở vùng thấp và sạt lở ven sông tại thôn Bạc Ray II, xã Phước Bình, huyện Bác Ái vừa có nơi ở mới tại khu tái định cư. Niềm vui của những người dân nơi đây cho thấy tính hiệu quả, thiết thực của một Dự án…
Một góc khu tái định cư Bạc Ray II
Chúng tôi theo chân đoàn cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn đến xã miền núi Phước Bình, một xã xa nhất về vị trí địa lý của tỉnh. Lâu nay, hàng trăm hộ dân ở 2 thôn Bạc Ray II và Hành Rạc II, đã quen “sống chung với lũ” bởi gia đình họ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Trước tình trạng thiên tai, lũ lụt "hoành hành", Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lập dự án di dân ra khỏi vùng sạt lở. Đơn vị chủ đầu tư dự án là Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh, với kinh phí trên 24 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu của Chính phủ, tổng diện tích 2 khu dân cư trên 10 ha.
Dự án được triển khai từ đầu năm 2010 thuộc dự án di dân, tái định cư vùng sạt lở bờ sông xã Phước Bình. Theo thống kê, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 122 căn nhà bị sập, tốc mái tại xã Phước Bình. Hiện đơn vị chủ đầu tư đã bàn giao 41 căn nhà tại khu tái định cư Bạc Ray II; số còn lại sẽ bàn giao trong tháng 7-2011 tại khu tái định cư thôn Hành Rạc II.
Từ ngày khu tái định cư được khởi công, nhân dân trong vùng phấn khởi biết nhường nào. Người dân ở đây vốn đã quen với cảnh chạy lũ, mỗi khi nước lũ tràn về, sau lũ bà con lại rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất", nay được chuyển đến nơi ở mới, ai ai cũng không giấu được niềm vui.
Anh Ka-tơ Nhi, thôn Bạc Ray II, tâm sự: “Cả đời tui chưa biết đến căn nhà mới. Mấy chục năm nay, cứ mùa mưa đến là nơm nớp lo bị lũ cuốn trôi. Giờ có nhà mới khang trang lại được ở nơi an toàn, bà con biết ơn Đảng, biết ơn Nhà nước lắm!”.
Anh Pi-năng Quang, thôn Bạc Ray II, với niềm vui trong ngôi nhà mới chia sẻ với chúng tôi: “Trước đây, nhà tôi ở một bên là núi, một bên là sông, tôi là lao động chính trong gia đình, cuộc sống vất vả chật vật lắm. Nay có nhà mới rồi, vợ chồng tôi sẽ tập trung lo cho các cháu học cái chữ để sau này trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội”
Ông Ka-tơ Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình cho biết “Hàng trăm hộ dân ở vùng sạt lở, bị ngập lụt rất cần có đất để định cư. Khu tái định cư ra đời đã đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của từng hộ. Chính vì thế, dự án đã được Trung ương và tỉnh đánh giá rất cao. Tuy nhiên, tại đây cần phải được đầu tư tiếp tục để hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, khu vệ sinh cho người dân yên tâm sinh sống gắn bó lâu dài”.
Rời Phước Bình trong cơn mưa chiều, vượt qua nhiều dốc đèo, nhìn lại sau chỉ còn thấy những vạt núi mờ ảo sau làn mưa trắng. Phước Bình vẫn sáng nắng chiều mưa, những cơn mưa không báo trước đến nhanh và dữ dội. Nhưng tôi tin rằng, với những mái nhà vừa xây còn ấm mùi vữa vôi, người dân đã có thêm một mái ấm, một niềm tin và ở đó họ sẽ không còn lo lắng mỗi khi bão lũ về…
Hàn Dạ Nguyệt