Hồi âm loạt bài "Người nổi tiếng và trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống suy thoái"

LTS: Báo Quân đội nhân dân số ra các ngày 14, 15, 16, 17-7-2022 đăng loạt bài “Người nổi tiếng và trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống suy thoái” của tác giả Thanh Kim Tùng. Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, bày tỏ sự đồng tình với những nội dung, thông điệp loạt bài đề cập. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của một số người nổi tiếng...

Đạo diễn, NSND GIANG MẠNH HÀ, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Trau dồi ý thức công dân của người nổi tiếng

Tôi rất đồng tình với những nội dung trong loạt bài về người nổi tiếng trên Báo Quân đội nhân dân. Trong môi trường không gian mạng, sự nổi tiếng và tai tiếng đôi khi chỉ là một lằn ranh mong manh. Vết trượt của suy thoái nằm ở chính cái lằn ranh ấy. Thế nên, bàn về trách nhiệm của người nổi tiếng trên mặt trận phòng, chống suy thoái hiện nay, tôi cho rằng yêu cầu căn bản đầu tiên là người nổi tiếng phải có sự hiểu biết đầy đủ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Muốn làm tròn trách nhiệm xã hội, người nổi tiếng, nhất là giới nghệ sĩ, trước hết phải làm tròn trách nhiệm của công dân. Mỗi nghệ sĩ gánh trên vai đồng thời hai trách nhiệm ấy.

Trên không gian mạng, người nghệ sĩ phải xác định rõ, cần phát ngôn cái gì, chia sẻ, bình luận những điều gì để góp phần xây dựng, lan tỏa giá trị văn hóa nhân văn, lan tỏa cái đẹp cho cuộc sống. Muốn làm tròn trách nhiệm xã hội của mình thì người nổi tiếng phải luôn có ý thức coi mình là tấm gương sáng cho công chúng. Hình ảnh, tiếng nói, việc làm của những nghệ sĩ nổi tiếng có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Một bộ phận đông đảo giới trẻ luôn có xu hướng bắt chước, học theo thần tượng của mình.

Bởi vậy, nếu người nổi tiếng là một tấm gương bị lỗi, bị lu mờ, cái xấu, cái tiêu cực sẽ ảnh hưởng thông qua sự ngộ nhận, bắt chước ấy, rất nguy hiểm cho xã hội và môi trường giáo dục-đào tạo. Khi người nổi tiếng ý thức rõ điều đó, luôn trau dồi trách nhiệm công dân thì thông qua lao động sáng tạo và phát ngôn của mình, họ sẽ đưa ra những thông điệp mang tính xây dựng, tính thẩm mỹ, thể hiện cái hồn của nhân văn. Làm được điều đó, người nổi tiếng mới thực sự có đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ảnh minh họa: TTXVN

NSND MẠNH CƯỜNG, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Coi trọng giáo dục và tự giáo dục

Loạt bài “Người nổi tiếng và trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống suy thoái” đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã đề cập, phân tích một cách thuyết phục về những vấn đề đã và đang tồn tại trong đội ngũ những người nổi tiếng hiện nay. Tôi muốn nhấn mạnh thêm ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Thực tế cho thấy, với những nghệ sĩ được đào tạo, giáo dục căn bản, đa số họ luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh, trách nhiệm xã hội của bản thân. Những trường hợp phát ngôn lệch chuẩn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa và đời sống tinh thần của công chúng chỉ là thiểu số. Đó một phần là do ý thức, cá tính, hành động theo cảm tính cá nhân và một phần quan trọng là từ tác động của môi trường hoạt động nghệ thuật. Không ít người do mải mê hoạt động trong thị trường giải trí nên coi nhẹ việc tự giáo dục, rèn luyện. Trong một số trường hợp, họ không làm chủ được bản thân, có những phát ngôn thiếu suy nghĩ, thậm chí bị lôi kéo, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa-nghệ thuật. Đó là điều rất đáng tiếc!

Khi tôi còn làm Chủ nhiệm Khoa Sân khấu, Điện ảnh và Viết văn, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trong nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, chúng tôi luôn coi trọng giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho người học. Đó là nền tảng để người nghệ sĩ xây dựng ý thức tự giáo dục trong cả cuộc đời lao động sáng tạo. Để giúp người nghệ sĩ càng nổi tiếng càng phải có ý thức tự giáo dục, rèn luyện thì vai trò của cơ quan chủ quản, của các cấp hội, đoàn hết sức quan trọng. Mọi hoạt động của người nổi tiếng phải gắn liền với những quy chuẩn, quy định đạo đức nghề nghiệp để ngăn ngừa các biểu hiện lệch chuẩn, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

--------------

Nhà báo HUỲNH DŨNG NHÂN, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh: Ngăn ngừa sự tương tác lệch chuẩn giữa truyền thông và người nổi tiếng

Bất cứ một cá nhân, tập thể nào muốn nổi tiếng đều phải thông qua môi trường báo chí, truyền thông. Người nổi tiếng là đề tài, đối tượng của truyền thông và truyền thông là môi trường, bệ đỡ của người nổi tiếng. Sự tương tác mang tính cộng hưởng này bên cạnh những yếu tố tích cực là sự nảy sinh các biểu hiện tiêu cực. Việc một số cơ quan, phương tiện báo chí, truyền thông, phóng viên... lăng xê một cách thái quá để đưa những người “vô danh” trở nên nổi tiếng trong thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn diễn ra không hiếm. Sự tương tác mang tính lợi ích “đôi bên cùng có lợi” này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lệch chuẩn trong đời sống văn hóa tinh thần của công chúng.

Vì vậy, để ngăn ngừa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ người nổi tiếng một cách hiệu quả, không thể bỏ qua vai trò của truyền thông. Trong vấn đề này, báo chí truyền thông phải giữ vai trò định hướng dư luận xã hội, tuyệt đối không hùa theo những thông tin kiểu “hội chứng” cảm tính trên mạng xã hội. Với những người nổi tiếng là nhà lãnh đạo, nhà quản lý trong hệ thống chính trị của đất nước, thông tin về họ cần có sự kiểm chứng chặt chẽ, khách quan, trung thực. Một người vừa được bổ nhiệm cương vị lãnh đạo nào đó, dư luận mạng xã hội đã xôn xao bàn tán thì báo chí, truyền thông không thể hùa theo được, mà phải có sự định hướng dư luận một cách khách quan, vì lợi ích của quốc gia-dân tộc.

Đánh giá cán bộ phải thông qua thực tiễn kiểm nghiệm chứ không thể nói theo cảm tính, ngẫu hứng cá nhân. Trong sự tương tác này, một bộ phận trong môi trường truyền thông của chúng ta nhiều khi vẫn còn bị chi phối bởi sự cảm tính của mạng xã hội. Điều này cần phải tránh và khắc phục. Ngăn chặn suy thoái không phải là nói những điều đao to búa lớn mà chính là cần sự chấn chỉnh từ những biểu hiện rất cụ thể như vậy.

-------------

Ca sĩ, NSƯT TỐ NGA, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam: Người nổi tiếng nói không với tai tiếng

Nhiều người có ý kiến cho rằng, trong thị trường giải trí hiện nay, sự nổi tiếng luôn đi kèm với tai tiếng và coi đó là tính hai mặt của một vấn đề. Nếu nói như vậy nghĩa là chúng ta mặc nhiên chấp nhận cái xấu, cái tiêu cực làm ảnh hưởng đến danh dự của người nổi tiếng? Không phải như vậy! Thực ra, việc tạo scandal hay lợi dụng công nghệ lăng xê để nổi tiếng chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ người nổi tiếng nói chung, giới giải trí nói riêng. Họ muốn có danh tiếng bằng con đường ngắn nhất nên sẵn sàng bằng mọi giá để đạt được. Tuy nhiên, những gì được xây dựng không dựa trên nền tảng phẩm chất, năng lực, tài năng thực sự thì chỉ là những giá trị ảo, nó không có sức bền và nhanh chóng chết yểu. Với những nghệ sĩ chân chính, có tinh thần, thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, họ luôn đề cao danh dự bản thân.

Để thực sự làm tròn trách nhiệm xã hội, người nghệ sĩ phải biết nói không với tai tiếng, giữ gìn danh tiếng, danh dự. Trong hành trình lao động sáng tạo, mỗi sản phẩm nghệ thuật là một thông điệp nghệ sĩ mang đến cho công chúng, vì vậy, phải luôn thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, thể hiện tinh thần cống hiến cao nhất. Làm điều này, không ai khác ngoài chính bản thân mỗi nghệ sĩ, mỗi người nổi tiếng. Mục tiêu và khát vọng cao nhất của nghệ sĩ là cống hiến ngày càng nhiều cho công chúng, bảo tồn tâm hồn dân tộc, lan tỏa giá trị chân-thiện-mỹ. Đó cũng là cách để văn nghệ sĩ góp phần ngăn ngừa và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực ra khỏi môi trường văn hóa-nghệ thuật.

Theo Báo Quân đội nhân dân