Nỗ lực nâng cao Chỉ số SIPAS

Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (Chỉ số SIPAS 2021) của Ninh Thuận đạt 88,64%, tăng 3,47% so với năm 2020; xếp vị thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2020, xếp vị thứ 4/14 tỉnh loại III, xếp vị thứ 2/8 các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Với kết quả đạt được, Chỉ số SIPAS 2021 của tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp”, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn về đẩy mạnh CCHC; tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, xây dựng nền hành chính phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Để người dân tiếp cận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận “một cửa” cấp huyện, xã; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết TTHC. Phần mềm giải quyết TTHC của tỉnh hiện nay đã đảm bảo tích hợp, liên thông đồng bộ với Cổng dịch vụ công của tỉnh và của quốc gia; bảo đảm tính đồng bộ việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC tại các cấp trên địa bàn toàn tỉnh trong tình hình mới.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết hồ sơ
cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Phan Bình

Đồng thời, hằng năm, tỉnh đều tiến hành điều tra, khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với các dịch vụ công của các ngành, đơn vị, địa phương. Qua đó, kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế để các đơn vị có phương hướng, giải pháp khắc phục. Để người dân tiếp cận và giải quyết TTHC thuận tiện, nhanh chóng, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện công bố, cập nhật kịp thời các TTHC; chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC; việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được duy trì ở 100% cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, bố trí, sắp xếp phù hợp với năng lực, sở trường, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao, nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ tổ chức, công dân của đội ngũ CB,CC,VC ngày càng được nâng cao.

Kết quả, xếp loại Chỉ số SIPAS 2021 của tỉnh so với năm 2020 cho thấy, có 4/5 chỉ số thành phần có tỷ lệ hài lòng tăng. Bên cạnh đó, qua phân tích có 2/5 chỉ số thành phần đạt mức độ hài lòng cao hơn mức độ hài lòng chung của cả nước. So sánh SIPAS trong 3 năm 2019-2021, có 3 chỉ số thành phần tăng ổn định; có 2 chỉ số thành phần tuy chưa ổn định, nhưng vẫn có xu hướng tăng và duy trì ở mức độ hài lòng cao, đó là: Chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ; Chỉ số hài lòng về kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công. Đặc biệt, đối với chỉ số hài lòng góp ý, phản ánh, kiến nghị đã có bước tăng đột phá, ổn định, bền vững trong giai đoạn 2019-2021 (từ mức độ hài lòng 68,84% năm 2019, thấp nhất trong 5 chỉ số thành phần, đã đạt 89,90% năm 2021, cao nhất trong 5 chỉ số thành phần); năm 2021, chỉ số hài lòng góp ý, phản ánh, kiến nghị đạt 89,90%, tăng 8,65% so với năm 2020, cao hơn mức trung bình của cả nước 9%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chỉ số SIPAS 2021 của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Có 6,59% ý kiến phản ánh phải đi lại 3 lần để giải quyết TTHC; có 2,01% ý kiến phản ánh tình trạng không có giấy hẹn khi nộp hồ sơ (công chức hẹn miệng) và một số mục tiêu của tỉnh đề ra. Kết quả trên cho thấy tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC gắn với việc đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ CB,CC,VC.

Trọng tâm là tiếp tục cắt giảm, rút gọn thời gian giải quyết TTHC, nhất là những TTHC thuộc lĩnh vực phát sinh nhiều thành phần hồ sơ, phức tạp. Trong đó, cần xác định rõ những nguyên nhân, hạn chế để xây dựng kế hoạch với nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cụ thể; đặc biệt là những đơn vị nhận được sự hài lòng thấp của người dân, tổ chức. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong CCHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước; chú trọng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trục lợi cá nhân. Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng đội ngũ CB,CC,VC có năng lực chuyên môn, tư duy đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ; có tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp với tổ chức, công dân chuẩn mực; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tập trung triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4... Cùng với đó, tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai nhiệm vụ chiến lược phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Với những cơ quan, đơn vị hoặc lĩnh vực nhận được sự hài lòng thấp của người dân, tổ chức, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân, thực trạng để tìm ra giải pháp khắc phục cụ thể, áp dụng nhiều phương pháp đo lường sự hài lòng qua các hình thức khác nhau nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện để người dân tiếp cận và thực hiện TTHC nhanh chóng, thuận tiện. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa Chỉ số SIPAS tới đội ngũ CB,CC,VC, người dân và doanh nghiệp để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội đối với công tác CCHC.