Phấn đấu “Vì một Ninh Thuận không còn người nghèo”

Trong những năm qua, cùng với việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” (PTTĐ) được triển khai sâu rộng trên địa bàn đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng, huy động mạnh mẽ các nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH của địa phương.

Cùng với việc tranh thủ huy động các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, kết hợp nguồn lực địa phương với nhiều giải pháp thích hợp, tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp chính sách hỗ trợ giảm nghèo đầu tư kinh phí giúp đỡ hộ nghèo vay vốn sản xuất tạo việc làm; thực hiện hỗ trợ kinh phí giảm một phần viện phí cho người nghèo; thực hiện hỗ trợ kinh phí miễn giảm học phí cho học sinh nghèo...Đồng thời phát động, đẩy mạnh PTTĐ với nhiều cách làm hay, thiết thực và hiệu quả đã giúp cho người nghèo, hộ nghèo, hộ thuộc diện khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, không bị bỏ lại phía sau trong phát triển KT-XH ở địa phương. Nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả, cách làm hay được nhân rộng; các phong trào giúp nhau trong dòng tộc, cộng đồng dân cư được triển khai thực hiện nhằm giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Đoàn Thanh niên Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh khám, chữa bệnh và phát thuốc
cho hộ chính sách xã Phước Bình.

Đến nay, chương trình giảm nghèo đã trở thành chương trình hành động của toàn xã hội với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỷ lệ hộ nghèo giảm một cách đáng kể qua các thời kỳ của chuẩn nghèo mới từ 1,5-2%/năm; nếu như năm 1992 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 28,13%, năm 2021 còn 4,56% trong đó huyện nghèo 30a-Bác Ái tỷ lệ hộ nghèo còn 23,48%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tỷ lệ dân cư nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%; 100% xã có điện lưới quốc gia. Kết quả đạt được của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và PTTĐ đã từng bước tạo điều kiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn, miều núi.

Phát huy các kết quả đạt được, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2870/KH-UBND về Phát động Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Kế hoạch nhằm mục đích phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng PTTĐ vì người nghèo, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Ninh Thuận không còn người nghèo”. Phấn đấu, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,5- 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm từ 4- 5%/năm; 50% số xã, thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khó khăn khác.

Để thực hiện được mục tiêu trên, thời gian tới toàn tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, Chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện PTTĐ vì người nghèo, tổ chức sơ kết, tổng kết và khen thưởng cho tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua theo thẩm quyền. Các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; các cụm, khối thi đua trên địa bàn tỉnh căn cứ vào đặc điểm tình hình, mục tiêu, nhiệm vụ tổ chức thực hiện PTTĐ vì người nghèo thiết thực, hiệu quả; tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; triển khai sâu rộng PTTĐ vì người nghèo với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp.

Nâng cao hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; bảo đảm an sinh xã hội và các điều kiện hỗ trợ tăng trưởng bao trùm trong lĩnh vực giảm nghèo. Thực hiện đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ngoài đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tập trung xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các mô hình khởi nghiệp cho người nghèo (trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh), các mô hình cần phát huy điều kiện, lợi thế của từng vùng miền, phù hợp với đối tượng, địa bàn cụ thể, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ giảm nghèo trong tình hình mới. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo.