Để chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 10-7, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TTCN) tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3016/KH-PCTT phân công nhiệm vụ cụ thể và xác định những khu vực, địa bàn mục tiêu trọng điểm cần được ưu tiên cứu nạn, cứu hộ khi bão, lũ xảy ra. Theo đó, ngoài việc tiếp tục rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT&TTCN các cấp đủ số lượng, có năng lực trong điều hành chỉ huy, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các Đài Khí tượng Thủy văn nắm bắt kịp thời mọi diễn biến của thời tiết để thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động của nhân dân trong công tác ứng phó với bão, lũ. Trong trường hợp có thiên tai xảy ra, các đơn vị, địa phương sẽ vận dụng phương châm “4 tại chỗ”, huy động tổng lực về người và phương tiện, bằng mọi biện pháp chống đỡ không để vỡ đê, vỡ đập; ưu tiên cứu người trước, cứu tài sản sau, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Bác Ái). Ảnh: P.Bình
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TTCN tỉnh, do tỉnh ta có địa hình khá phức tạp, do đó những khu vực, địa bàn trọng điểm được xác định cần được ưu tiên cứu nạn, cứu hộ khi bão, lũ xảy ra đó là: Những vùng trũng, thấp ở hai bên triền sông, cửa biển Đông Hải, đê Sông Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm); các hồ chứa nước và vùng hạ lưu các hồ chứa nước; khu vực có nhiều tàu thuyền ở các cảng, biển Cà Ná, Sơn Hải (Thuận Nam); cảng cá Ninh Chữ, bến cá Mỹ Tân, vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải) và một số địa phương thường xuyên bị xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét như: Khu vực đèo Ngoạn Mục, suối SaKai, suối Gia Chiêu, suối Tầm Ngân 1, thượng nguồn của các sông suối bắt nguồn từ Lâm Đồng trên địa bàn xã Lâm Sơn; các thôn Nha Húi, Mỹ Hiệp, Phú Thủy thuộc xã Mỹ Sơn; các thôn Tân Lập, Tân Hòa, Tân Định thuộc xã Hòa Sơn; các thôn Tà Nôi, Ú, Gia Hoa thuộc xã Ma Nới (Ninh Sơn). Thôn Núi Rây thuộc xã Phước Chính; thôn Suối Lở thuộc xã Phước Thành; thôn Hành Rạc thuộc xã Phước Bình (Bác Ái). Các thôn: Kiền Kiền 1, 2, Bà Râu 1, 2 xã Lợi Hải; thôn Ba Tháp, Gò Sạn xã Bắc Phong; khu vực Núi Chúa xã Lợi Hải; khu vực núi thôn Đá Mài Trên, Cầu Đá xã Phước Kháng; khu vực núi thôn Xóm Bằng và Láng Me xã Bắc Sơn; khu vực suối Rách phía Đông Bắc thôn Động Thông, xã Phước Chiến; khu vực Kà Rôm, Ba Hồ, thôn Hiệp Thành (cũ), Suối Giếng xã Công Hải (Thuận Bắc)...
Căn cứ đặc điểm địa hình được xác định trên và diễn biến lũ các năm trên lưu vực sông, suối, năm nay phương án cụ thể mà Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đưa ra đó là: Đối với tuyến biển, giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương ven biển thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, công tác đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra trang thiết bị, chế độ thông tin liên lạc, phòng, chống cháy nổ, kiên quyết không giải quyết cho các phương tiện không đảm bảo an toàn đi biển. Thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, bão, áp thấp nhiệt đới trên các vùng biển, kịp thời thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng biết để chủ động phòng tránh bảo đảm an toàn. Khi có thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới, tất cả các tàu thuyền phải tìm nơi trú ẩn và neo đậu an toàn ở các luồng lạch, cửa biển đã được quy định như: Đông Hải, Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, Cà Ná..., kiên quyết không để tàu thuyền vào neo đậu các khu vực không đảm bảo an toàn.
Khi bão, áp thấp nhiệt đới vào biển Đông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu tại 3 điểm cố định gồm: Đồn Biên phòng Vĩnh Hải (404), Thanh Hải (408), Phước Dinh (416), một điểm bắn cơ động trên tàu Hải đội Biên phòng 2 và tại các trạm Kiểm soát Biên phòng khi cần thiết. Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận và các phương tiện thông tin đại chúng có trách nhiệm thường xuyên thông báo diễn biến tình hình mưa bão, áp thấp nhiệt đới,... để thông tin kịp thời cho các ngành, các cấp và Nhân dân biết, chủ động ứng phó. UBND các huyện: Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm kịp thời sơ tán dân tại các vùng thường xuyên xảy ra sạt lở, nước dâng và có nguy cơ sóng thần về các vùng cao, tòa nhà cao tầng, trường học an toàn. Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh còn bố trí sẵn 7 tàu và 100 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị: Bộ đội Biên phòng tỉnh, Lữ đoàn Đặc công 5, Vùng 4 Hải quân..., để tham gia việc cứu hộ trên biển từ Bình Tiên đến Cà Ná, với tầm hoạt động vươn xa 12 hải lý từ bờ trở ra.
Đối với các hồ chứa nước đang vận hành và vùng hạ lưu các hồ chứa, ngoài việc chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống bão, lũ; có kế hoạch phân công trực 24/24 giờ để vận hành, đóng mở cống kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình đầu mối, tại mỗi hồ chứa Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng gần 550 người và 24 phương tiện như xe tải, máy xúc, máy ủi và các vật tư cần thiết để sẵn sàng tham gia xử lý, khắc phục kịp thời sự cố xảy ra. Khi có lệnh xả lũ phải thông báo đến Nhân dân trước 6 tiếng đồng hồ để các địa phương, đơn vị và Nhân dân di dời người, tài sản đến nơi an toàn.
Riêng tuyến đê Sông Dinh dài hơn 10 km đi qua địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, dù đã được gia cố vững chắc, nhưng để đề phòng tình huống xấu xảy ra, ngoài việc chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đôn đốc Chi cục Thủy lợi thường xuyên kiểm tra an toàn đê, chủ động xử lý các sự cố trong thân đê, kè khi có tình huống xấu xảy ra; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh còn bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng, như: 330 cán bộ, chiến sĩ; 42 xe tải, máy ủi, máy xúc và dự trữ 1.215 rọ thép, 6.000 m3 đá hộc và hàng chục ngàn bao tải ny long, để thực hiện việc bảo vệ đê một cách an toàn nhất.
Với tinh thần tập trung chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể như trên, hy vọng công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh ta năm nay sẽ được triển khai thực hiện tốt, góp phần hạn chế thấp nhất các thiệt hai do thiên tai gây ra.
Linh Giang