Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, cả nước hiện đã xây dựng 6.750 hồ thủy lợi, trong đó khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có 4.207 hồ. Các hồ chứa cơ bản phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, các đập của hồ chứa thủy lợi hầu hết là đập đất, trải qua thời gian dài khai thác, nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác quản lý. Theo đó, 100% số hồ được kiểm tra theo quy định; 90% số hồ có cửa van, có quy trình vận hành được duyệt; 78% số hồ được đăng ký an toàn đập; 73% số hồ được lập phương án ứng phó thiên tai. Với sự chỉ đạo kịp thời từ trung ương tới địa phương, sự phối hợp có hiệu quả giữa các đơn vị liên quan, công tác vận hành hồ chứa thủy lợi đã phát huy được hiệu quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận, đánh giá cụ thể để rút ra bài học sâu sắc nhằm điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Theo đánh giá, đến nay chỉ có 24% hồ chứa có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; 23% số hồ có phương án bảo vệ; 13% số hồ được kiểm định an toàn; 16% số hồ có quy trình vận hành và chỉ mới 10% số hồ được lắp thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du. Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước còn 934 hồ, chủ yếu là hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, hư hỏng, thiếu khả năng xả lũ.
Các đại biểu dự Hội nghị quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa thủy lợi.
Hội nghị đã nghe các báo cáo của các cơ quan, đơn vị: Tổng cục thủy lợi, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, Viện Khoa học thủy lợi, các địa phương tập trung thảo luận chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi gồm an toàn công trình, hạ du đập và việc tích nước tối ưu phục vụ sản xuất, dân sinh. Tham luận tại hội nghị, đại diện Sở NN&PTNT đã nêu hiện trạng và giải pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 22 hồ chứa, tổng dung tích 414,29 triệu m3 và 4 đập dâng phục vụ tưới cho khoảng 28.000 ha đất sản xuất. Hiện nay, một số hồ, đập cần được tu sửa, khắc phục nhưng chưa cân đối được kinh phí. Trong đó nhu cầu vốn năm 2022 cần 37 tỷ đồng để thực hiện. Hệ thống thủy lợi Sông Cái - Tân Mỹ đã tích nước nhưng chưa có quy trình vận hành, cần sớm lập thẩm định, phê duyệt để có cơ sở vận hành, quản lý. Mặt khác cần phát huy hệ thống cảnh báo sớm lưu vực Sông Dinh và nâng cao năng lực vận hành hệ thống sông và hồ chứa.
Để đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa thủy lợi trước yêu cầu phát triển và bối cảnh biến đổi khí hậu, hội nghị đã đề ra một số giải pháp về thể chế và công trình; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, địa phương; tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, bố trí kinh phí sửa chữa nâng cấp các công trình; chủ động phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp có thể xảy ra, nhất là trong mùa mưa lũ 2022 sắp tới.
Anh Tuấn