EVFTA mang lại cơ hội thương mại nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam - EU

Coi Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng hàng đầu, truyền thống và tiềm năng cho nông sản Việt Nam, nhất là khi Hiệp định thế hệ mới EVFTA có hiệu lực, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với EU để tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, không tạo ra các rào cản thương mại mới mà không đủ cơ sở khoa học, nhằm thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản, vì lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng của 2 bên.

Nhân chuyến thăm của ngài Janusz Wojciechowski - Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách nông nghiệp, cùng với phái đoàn các đại diện kinh doanh của 50 tổ chức nông nghiệp - thực phẩm của EU, Bộ NN&PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã tổ chức “Hội thảo kinh doanh Nông sản Việt Nam - EU”. Sự kiện kết hợp với nhiều hoạt động kết nối kinh doanh giữa các chuyên gia kinh doanh và đại diện của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm của châu Âu và Việt Nam hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội thương mại nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam - EU.

Hiệp định tự do hóa thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 là khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư rất quan trọng mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn. Cụ thể, trải qua gần 2 năm thực thi, trong đó có đến hơn 1 năm Việt Nam, EU và cả thế giới phải hứng chịu những tác động rất lớn đến từ đại dịch COVID-19, EVFTA đã cho thấy vai trò to lớn trong việc hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, với GDP ở mức dương 2,58%.

Ông Janusz Wojciechowski - Cao ủy Liên minh châu Âu (EU): EU muốn tăng cường thương mại nông sản với Việt Nam.

Ông Janusz Wojciechowski - Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách nông nghiệp đánh giá, trong năm 2020 - 2021, thương mại trong lĩnh vực thực phẩm đã vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19 và đạt tăng trưởng 9%, tương đương 3,5 tỷ euro. Những con số này thực tế còn cao hơn nếu tính cả các sản phẩm thủy sản và lâm sản, hai mặt hàng thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam.

Cũng do lợi ích của EVFTA, giờ đây người tiêu dùng châu Âu có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn tới các sản phẩm trà và cà phê Việt Nam, cùng hàng loạt các mặt hàng đa dạng khác như hạt, gia vị và hoa quả nhiệt đới. Các mặt hàng chính yếu của Việt Nam như gạo, nấm, các sản phẩm đường cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận quan trọng tới thị trường EU thông qua Hạn ngạch nhập khẩu với mức thuế ưu đãi theo quy định của EVFTA, giúp các mặt hàng này được nhập khẩu vào EU với thuế suất là 0.

Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều mặt hàng thực phẩm của châu Âu có tính an toàn và chất lượng cao. Các mặt hàng thực phẩm châu Âu có một di sản vững chắc về các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe. EU kiểm tra nghiêm ngặt mọi bước, từ việc sử dụng thuốc trừ sâu đến khâu đóng gói, để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm của chúng tôi với sự đảm bảo chất lượng đầy đủ nhất.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh. Kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản 2 chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020, 5,2 tỷ USD năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD tăng 26% so với năm 2022. EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản. Bên cạnh các mặt hàng nêu trên, cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như gạo của Việt Nam, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…

Chia sẻ về lợi thế sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản. Việt Nam thuộc nhóm 15 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD và dự báo đạt trên 55 tỷ USD vào năm 2022.

Lợi thế so sánh trong sản xuất nông sản cùng với môi trường vĩ mô ổn định và an toàn, thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, là cửa ngõ cho khu vực Đông Nam Á với 650 triệu dân, Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn lớn và có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp EU như Bayer (Đức); De Heus, Nutreco (Hà Lan); Nestlé (Thụy Sỹ); Ceva, Virbac (Pháp).

Tính đến cuối năm 2020, tổng số dự án FDI luỹ kế còn hiệu lực trong ngành nông nghiệp (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp trực tiếp và các ngành công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp) là 1961 dự án, với vốn đăng ký đạt 17,2 tỷ USD. Có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư vốn FDI vào ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, vốn FDI từ EU vào nông nghiệp Việt Nam vẫn khá khiêm tốn, với 44 dự án và tổng vốn đăng ký trên 200 triệu USD, chỉ chiếm 9,6% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam và dưới 1% so với tổng FDI của EU vào Việt Nam.

Trong bối cảnh thách thức do biến đổi khí hậu và nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng toàn cầu. Nông nghiệp Việt Nam đang xây dựng hình ảnh minh bạch - trách nhiệm - bền vững với người tiêu dùng toàn cầu.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và EU còn nhiều dư địa để phát triển. Hiện EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU trong năm 2021.

“Với tỷ trọng như vậy cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hơn nữa các lợi thế từ mặt hàng nông sản nhiệt đới và EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng và châu Âu nói chung” - ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, EU nổi tiếng là khu vực có nền nông nghiệp phát triển hiện đại và bên vững, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, việc thu hút các nhà đầu tư EU tham gia vào các dự án về nông nghiệp tại Việt Nam rất cần được thực hiện.

Theo đó, ông Phạm Tấn Công đề nghị các nhà đầu tư EU quan tâm đến một khu vực kinh tế phát triển năng động nhất gồm 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam là: Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, gắn với trục đường cao tốc phía Đông của Việt Nam, xuất phát từ Thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu với Trung Quốc, dài gần 300km. Đây là 4 địa phương có chính quyền năng động, có môi trường đầu tư rất lý tưởng với hệ thống đường cao tốc tốt nhất hiện nay, 3 sân bay quốc tế, hệ thống cảng biển nước sâu, các khu công nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào hơn 7 triệu dân. Khu vực này toàn toàn phù hợp để đầu tư các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới chất lượng cao để chuyển về châu Âu cũng như xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực và thế giới.

Theo TTXVN/Báo Tin tức