Hoạt động Hội Thủy sản tỉnh, góp phần phát triển nghề cá đạt hiệu quả và bền vững

Trong nhiệm kỳ V (2017-2022), phát huy vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội Thủy sản tỉnh đã hỗ trợ hội viên (HV) xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền ngư dân tham gia khai thác hải sản xa bờ, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh nghề cá đạt hiệu quả và bền vững.

Theo báo cáo của Hội Thủy sản tỉnh, nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Hội luôn đồng hành với HV, kịp thời đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của HV. Cụ thể, Hội đã kiến nghị có biện pháp giải quyết tranh chấp ngư trường giữa nghề vây rút mùng và nghề pha xúc; giải quyết vấn nạn tàu giã cào bay, mành chụp tỉnh ngoài vào khai thác vùng biển ven bờ Ninh Thuận; ngăn chặn hoạt động kinh doanh tôm giống không lành mạnh ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính... Đến nay, đa số các kiến nghị đã được ngành chức năng giải quyết, góp phần lập lại trật tự hoạt động đánh bắt hải sản và nuôi thủy sản.

Hội động viên ngư dân thay đổi tập quán, chủ động kiêm nhiều nghề trên một đơn vị tàu thuyền để nâng cao hiệu quả sản xuất, kịp thời tư vấn pháp luật cho HV trong một số trường hợp hợp đồng mua bán, làm ăn, đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Hội đã tập hợp được HV, phổ biến, khuyến khích và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật mới; hướng dẫn HV thành lập tổ, đội đoàn kết trên biển, chuyển đổi nghề phù hợp xu hướng mới, đóng tàu lớn, tham gia khai thác xa bờ. Tính đến nay, 92% tàu cá có hạn ngạch khai thác vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tạo thuận lợi trong việc chỉ đạo, tổ chức sản xuất; các tổ đoàn kết sản xuất trên biển có thời gian bám biển dài ngày từ vùng DK1 đến ngư trường các tỉnh phía Nam, nên giảm được thời gian di chuyển, tăng hiệu quả khai thác.

Ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) khai thác hải sản vụ cá Nam đạt sản lượng cao. Ảnh: V.Nỷ

Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh thủy sản, Hội Thủy sản tỉnh đã phối hợp ngành chức năng vận động HV tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn người dân biện pháp phòng trị bệnh tôm, tẩy trùng môi trường, đồng thời giới thiệu công nghệ nuôi mới ứng dụng kỹ thuật nuôi thương phẩm trong bể lót bạt tròn. Nhờ đó, mặc dù gần đây nuôi thủy sản gặp những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, chi phí sản xuất cao, nhưng người dân đã chủ động tìm tòi, áp dụng các mô hình hay, đưa nhiều đối tượng nuôi vào sản xuất. Ở nhiều nơi trong tỉnh có sự thay đổi lớn trong nếp nghĩ, cách làm, vận dụng đa dạng loài nuôi phù hợp với từng vụ, từng vùng đất và từng trình độ đầu tư canh tác. Để ứng phó với dịch bệnh trên vật nuôi, các thành viên nhóm G9+ đã áp dụng mô hình nuôi tôm trong bể xi măng tròn, đồng thời chuyển một phần diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi ốc hương cho thu nhập cao. Ông Từ Thanh Hường, Trưởng nhóm G9+, cho biết: Với kinh nghiệm và niềm đam mê nuôi thủy sản, nhóm luôn tìm tòi học hỏi, nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ở từng thời điểm cụ thể, nên các thành viên trong nhóm vẫn duy trì được diện tích nuôi và sản lượng. Với trên 200 ha nuôi thủy sản, nhóm đã góp phần tích cực cho hiệu quả xã hội, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 600 lao động.

Bà Bùi Thị Anh Vân, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh, cho biết: Trong bối cảnh ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ VI (2022-2027), Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, nhất là nuôi tôm, ốc hương chính vụ, cũng như khai thác vụ cá Nam đạt hiệu quả cao nhất. Kịp thời phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi hiệu quả và các kiến thức, kỹ thuật cần thiết phòng, chống thiên tai trên biển; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về khai thác hải sản hướng đến cùng ngư dân cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của HV, kịp thời phản ánh đến cơ quan thẩm quyền đề nghị tháo gỡ. Phối hợp với ngành Nông nghiệp tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất, người lao động thủy sản trong tỉnh tiếp cận được với chính sách giảm thiệt hại vì dịch COVID-19. Động viên, hỗ trợ người dân tích cực phục hồi sản xuất, kinh doanh để tiếp tục phát triển trên quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biển và tiêu thụ sản phẩm.