Ninh Phước: Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, với đà phục hồi phát triển, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện Ninh Phước có nhiều khởi sắc, các chỉ tiêu tăng trưởng đều có nhiều tín hiệu tích cực. Đây là cơ sở để huyện phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trong năm 2022 theo kế hoạch (KH) đề ra.

Theo đánh giá của UBND huyện Ninh Phước, trong 6 tháng đầu năm 2022 với tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, tình hình KT-XH trên địa bàn có bước phục hồi và phát triển tích cực. Tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn đạt trên 5.285 tỷ đồng, đạt trên 54% KH năm và tăng 14% so với cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn đảm bảo tiến độ đề ra, đạt 47,728 tỷ đồng, đạt 57% chỉ tiêu giao; giải quyết việc làm cho 2.072 lao động, đạt 71,45% KH. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, triển khai đầy đủ; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa.

Nổi bật trên một số mặt đó là huyện đã thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng nâng cao giá trị đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực mà địa phương có lợi thế như: Sản xuất lúa giống, bắp giống, măng tây xanh, nho, táo, cừu và dê... Tổng diện tích gieo trồng đạt 17.417 ha, đạt 83,8% KH, tăng 1,24% so với cùng kỳ; trong đó, cây lúa đạt vượt 1,84% KH, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 42.895 tấn, đạt 45,87% KH. Các loại cây trồng chủ lực không ngừng được mở rộng diện tích, tăng cường ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến; toàn huyện hiện có 144,8 ha măng tây xanh (trong đó có 56,65 ha cánh đồng lớn), trồng mới 4,5 ha nho, nâng tổng diện tích nho toàn huyện hiện có là 417 ha; 782 ha táo (trồng mới 8,2 ha). Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn 62,3 ha cây trồng cạn, vượt 3,83% KH, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp gắn với bao tiêu sản phẩm; tiếp tục thực hiện và nhân rộng 15 cánh đồng lớn với diện tích trên 2.353 ha; trong đó, triển khai mới 1 cánh đồng bắp 60 ha; nhân rộng mô hình san phẳng mặt ruộng bằng tia laser lên 52,8 ha và triển khai đề án sản xuất rau an toàn xã Phước Hải, An Hải.

Trong chăn nuôi, cùng với việc thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, huyện đã phát triển tổng đàn gia súc đạt 101.532 con, đạt 95,3% kế hoạch. Sản xuất tôm giống đạt sản lượng 3,774 tỷ post, tăng hơn 2,8% so với cùng kỳ; duy trì một trung tâm chuyển giao kỹ thuật nuôi và 214 cơ sở nuôi chim yến. Đến nay, toàn huyện có 26 hợp tác xã và 78 tổ hợp tác hỗ trợ nông dân sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và bao tiêu sản phẩm.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng đạt mức tăng trưởng cao, giá trị sản xuất đạt 2.615 tỷ đồng, đạt 59,57% kế hoạch, tăng gần 17,3% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, có 2 dự án năng lượng tái tạo triển khai thi công với tổng công suất 150 MW/2.363 tỷ đồng; toàn huyện hiện có 13 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 489,2 MW. Bên cạnh đó, có 525 công trình điện mặt trời áp mái, tổng công suất lắp đặt trên 70.000 kW (tăng 32 công trình/9.835 kW). Huyện cũng đang tiếp tục thực hiện thực hiện đề án phát triển làng nghề gắn với xây dựng đô thị loại IV Phước Dân và phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù như rượu vang nho, mật nho, siro nho ở xã Phước Thuận; táo sấy, nho sấy, thịt dê, cừu qua chế biến ở xã Phước Thuận, Phước Hậu; trà măng tây xanh ở xã An Hải. Giá trị sản xuất lĩnh vực thương mại - dịch vụ có nhiều khởi sắc, đạt 1.484 tỷ đồng, tăng 20,17% so với cùng kỳ; thu hút 250.000 lượt khách du lịch, tăng 90% so với cùng kỳ.

Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH những tháng cuối năm, huyện tiếp tục tiếp đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Trên tinh thần đó, huyện chú trọng công tác đảm bảo dự toán thu, chi ngân sách, KH đầu tư công, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ để sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Trong đó tập trung sản xuất vụ hè - thu và vụ mùa 2022 gắn với KH sản xuất 2 vụ lúa/năm; chủ động phòng, chống thiên tai, các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chú trọng hỗ trợ, củng cố hoạt động các hợp tác xã; có giải pháp nâng cao chất lượng huyện, xã nông thôn mới, gắn với thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nâng cao hiệu quả hoạt động các làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo tồn, phát triển làng nghề và huy động nguồn lực xây dựng thị trấn Phước Dân đạt chuẩn đô thị loại IV theo KH. Tăng cường thu hút và kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn huyện, chú trọng công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và khai thác hiệu quả nguồn thu từ đất; tăng tính kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân phát triển; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công; kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch, thực hiện đề án du lịch cộng đồng. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2022-2023, gắn với nâng cao chất lượng dạy và học, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Chú trọng chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân, vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế; đào tạo lao động, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách xã hội. Tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết hiệu quả các công việc.