Ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt trên 11.152 tỷ đồng, tăng 3,09% so với cùng kỳ năm 2021 (quý I tăng 3,71% và quý II tăng 2,52%). Trong đó: Khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 4,88% đóng góp 1,3 điểm phần trăm; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) giảm 0,57%, tác động giảm 0,21 điểm phần trăm; khu vực III (dịch vụ) tăng 8,08%, đóng góp 2,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Yếu tố tác động làm tăng GRDP trong 6 tháng đầu năm là nhờ sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng; các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, hoạt động doanh nghiệp (DN)... từng bước được phục hồi. Cụ thể, đối với sản xuất nông nghiệp, trong vụ đông - xuân 2022, toàn tỉnh gieo trồng đạt 31.033,4 ha cây trồng các loại, tăng 1,6% so với vụ đông - xuân 2021, trong đó diện tích lúa 17.875,6 ha, tăng 2,8%. Năng suất lúa đạt bình quân 66,3 tạ/ha, sản lượng đạt 118,5 nghìn tấn. Cùng với việc thu hoạch vụ đông - xuân, các địa phương đã xuống giống được 7.500 ha lúa hè - thu, tăng 2,1 lần so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sản lượng một số cây lâu năm đạt khá so với cùng kỳ năm trước, trong đó cây nho đạt 17.475,7 tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ; cây xoài 5.253,4 tấn, tăng 9,8%; cây táo đạt 20.277,6 tấn, tăng 10,9%; cây bưởi 1.441 tấn, tăng 14,9%; cây điều 1.323,1 tấn, tăng 6,4%. Đối với thủy sản, sản lượng ước đạt 61,7 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng khai thác biển đạt khảng 57.042 tấn, tăng 4,4 % so cùng kỳ, giá trị sản xuất tăng 7,76%; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4,6 nghìn tấn, tăng 0,4%; sản xuất giống thủy sản đạt 20,8 tỷ con, tăng 2,4%, trong đó tôm sú giống đạt 4,1 tỷ con, tăng 19,2%... Kết quả trên góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành đạt 5.904 tỷ đồng, tăng 4,8% so cùng kỳ năm 2021.
Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: T.D
Không riêng gì nông nghiệp, các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch đã trở lại trạng thái bình thường, nên nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân tăng cao. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước đạt 12.806,7 tỷ đồng, chiếm 81,4% tổng mức và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.822,2 tỷ đồng, chiếm 11,6%, tăng 18%. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,6 tỷ đồng, chiếm chỉ 0,01%, tăng 22,6%. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.106,4 tỷ đồng, chiếm 7% và tăng 19,6%. Các chỉ tiêu như: Thu ngân sách ước đạt 2.030 tỷ đồng, đạt 57,6% kế hoạch, trong đó thu nội địa đạt 2.010 tỷ đồng, tăng 16,7%, đạt 67,2% dự toán HĐND tỉnh giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 20 tỷ đồng, giảm 96,5%, so dự toán HĐND tỉnh giao. Về kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển, ước thực hiện 6 tháng năm 2022 là 10.036,4 tỷ đồng, bằng 63% so với cùng kỳ năm trước. Sau một thời gian bị ảnh hưởng dịch COVID-19, đến nay tình hình phát triển DN trên địa bàn tỉnh đang dần phục hồi, đến ngày 15-6, toàn tỉnh có 269 DN thành lập mới với vốn đăng ký 11.515,9 tỷ đồng, tăng 34,5% số DN và số vốn đăng ký tăng 6,4 lần so cùng kỳ; nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay lên 3.873 DN với số vốn 90.935,8 tỷ đồng.
Góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng đã đầu tư phục vụ kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt các giải pháp thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thực hiện cho vay theo các lĩnh vực ưu tiên, các chương trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ, của tỉnh được quan tâm triển khai có hiệu quả. Đến cuối tháng 6, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 1.164 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Trong đó, cho vay đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản 7.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,46% trong tổng dư nợ, tăng 433 tỷ đồng; cho vay phát triển công nghiệp (CN) - xây dựng 6.810 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,74% trong tổng dư nợ, giảm 346 tỷ đồng; cho vay thương mại, dịch vụ và hoạt động phục vụ cá nhân cộng đồng 19.940 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57,8% trong tổng dư nợ, tăng 1.077 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) đầu tư thiết bị hiện đại để vận hành sản xuất. Ảnh: V.Miên
Mặc dù kinh tế của tỉnh trong 6 tháng năm 2022 đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện cho thấy vẫn còn một số ngành phát triển không đồng đều. Cụ thể, đối với sản xuất CN, được xem là ngành chủ lực có nhiều đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh trong những năm trước, nhưng 6 tháng đầu năm 2022, ngành CN chỉ đạt 6,65% giá trị tăng thêm (cùng kỳ năm 2021 tăng 48,77%). Kết quả trên đã tác động làm chỉ số sản xuất toàn ngành CN 6 tháng chỉ tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành CN sản xuất và phân phối điện chỉ tăng 4,5% so cùng kỳ, đóng góp tăng 2,65 điểm % vào chỉ số chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 12,36% so cùng kỳ, đóng góp tăng 3,75 điểm %; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,47%; ngành khai khoáng giảm 11,08%. Nguyên nhân dẫn đến sản xuất CN trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng thấp so cùng kỳ năm trước là do một vài sản phẩm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vẫn còn đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, thành phẩm. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm sản xuất chủ yếu vẫn phục hồi chậm. Đặc biệt, ngành CN chủ lực của tỉnh là sản xuất điện năng lượng tái tạo đã đạt trần công suất và có xu hướng giảm phát nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng toàn ngành CN trong năm 2022.
Để tiếp tục duy trì ổn định kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ những tháng còn lại và cả năm 2022, tỉnh tập trung giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của trung ương về thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tập trung các giải pháp đột phá vào các ngành CN chế biến, chế tạo; dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, đầu tư xây dựng để thúc đẩy tạo động lực cho tăng trưởng; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua tỉnh); đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; đẩy mạnh hoạt động tín dụng, hỗ trợ DN tiếp cận các khoản vay theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Văn Thanh