Cam kết ngừng nhập dầu mỏ từ Nga, châu Âu tìm cách đối phó với giá xăng dầu tăng

Giá xăng tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng hơn 50% trong năm ngoái và tăng gần 30% kể từ đầu năm đến nay. Các nước châu Âu, với phần lớn cam kết dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay để phản đối Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đã thực hiện các chiến lược riêng nhằm đối phó với giá xăng tăng.

Chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm bớt những tác động kinh tế đối với người dân khi giá xăng tăng trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá nhiên liệu toàn cầu tăng mạnh.

Trong những ngày gần đây, giá xăng đã vượt 2 euro (2,1 USD)/lít tại phần lớn trong số 19 nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mà nguyên nhân chính là các vấn đề về nguồn cung liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Người dân đổ xăng tại trạm xăng ở London, Anh, ngày 8/4/2022. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Giá xăng trung bình vọt trên 2 euro/lít khi cuộc xung đột Ukraine bùng phát hồi tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, lần giá xăng tăng gần đây nhất một phần do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và những lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu trong những tháng mùa Hè, khi nhu cầu đi lại lớn.

Một nguyên nhân quan trọng khác là tỷ giá euro/USD. Giao dịch dầu mỏ và xăng được thực hiện bằng đồng USD, có nghĩa việc đồng euro giảm giá gần đây so với đồng USD khiến giá trị các giao dịch tính theo đồng euro sẽ tăng lên.

Một năm trước, giá một lít xăng trung bình tại Eurozone là 1,3 euro và vào đầu năm nay, con số này là 1,55 euro/lít. Điều này có nghĩa giá xăng đã tăng hơn 50% trong năm ngoái và tăng gần 30% kể từ đầu năm đến nay.

Các nước châu Âu, với phần lớn cam kết dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay, đã thực hiện các chiến lược riêng nhằm đối phó với giá xăng tăng. Trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, Nga cung cấp hơn 25% nhu cầu dầu mỏ của EU.

Tại Hungary, quốc gia không sử dụng đồng euro, chính phủ đã thiết lập mức giá trần đối với xăng, dù việc giảm giá không được áp dụng với những người mua xăng có biển đăng ký xe không phải tại Hungary. Trong khi đó, Đức đã giảm giá vé tháng của các phương tiện giao thông công cộng nhằm thu hút người dân sử dụng các phương tiện đi lại này.

Pháp, Italy, Đức và Bulgaria (quốc gia neo đồng nội tệ vào đồng euro) đều đã giảm mạnh thuế nhiên liệu nhằm giảm giá xăng, dù một số nhà kinh tế lo ngại những chính sách như vậy về lâu dài có thể tác động tiêu cực đến ngân sách. Croatia và Slovenia nằm trong số những nước hoặc đóng băng giá xăng hoặc áp dụng giá xăng tối đa tại các trạm xăng.

Theo TTXVN/Báo Tin tức