Giúp người dân thoát nghèo
Trước đây, gia đình ông Tà Thía Tận, thôn Tà Dương, xã Phước Thái (Ninh Phước) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2016, gia đình ông Tận tham gia vào TCĐ giao khoán BVR và được Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Giang giao khoán BVR với diện tích 33 ha theo chương trình phát triển sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Với diện tích này, mỗi năm gia đình ông được nhận khoảng 12 triệu đồng tiền công. Từ số tiền BVR, ông mua được 2 con bò sinh sản để phát triển mô hình sinh kế chăn nuôi dưới tán rừng. Sau hơn 4 năm chăn nuôi, đến nay bò đã sinh sản được 4 con. Bò đực ông bán thu được 12 triệu đồng, bò cái ông giữ lại để nhân đàn. Không những vậy, năm 2019, gia đình ông còn được chủ rừng hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng. Có vốn ông đầu tư mua 2 con bò về nuôi sinh sản, đồng thời cải tạo đất trồng cỏ, chăn nuôi gia cầm và thâm canh lúa nước. Nhờ đó, đến nay gia đình đã phát triển đàn bò được 7 con, mỗi năm cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng, giúp gia đình ổn định cuộc sống, xây dựng được nhà cửa khang trang, cho con ăn học đàng hoàng.
Thành viên Tổ cộng đồng thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) phát triển vườn cây ăn quả tạo sinh kế bền vững từ nhận rừng khoán quản. Ảnh: TM
Còn đối với gia đình ông Ya Khiên, thôn Gòn, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn), trước đây cũng thuộc hộ nghèo. Năm 2016, khi tham gia nhận khoán bảo vệ 30 ha rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha, nhờ tiết kiệm gia đình ông đã mua giống cây sâu riêng, mít, chôm chôm về phát triển vườn cây ăn trái. Đến năm 2019, gia đình ông còn được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhờ có số tiền từ BVR và vốn vay, đến nay gia đình ông Kiên đã phát triển được gần 1 ha sầu riêng, mít.., mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng, gia đình thoát nghèo.
Được biết, từ năm 2016 đến năm 2021, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức giao khoán cho TCĐ nhận BVR tại các địa phương theo các chương trình dự án, với diện tích trên 158.078 ha cho các TCĐ, mức hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm, góp phần cải thiện đời sống người dân. Đến nay, các TCĐ đã mua 1.415 con bò; 316 con dê, cừu; 62 con heo để chăm sóc dưới tán rừng, tạo sinh kế, tăng thu nhập; phát triển được 26.735 cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, bơ, mít, bưởi, chôm chôm... Ngoài ra, các địa phương, đơn vị tạo điều kiện cho 496 hộ dân vay trên 23,6 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác BVR, nên tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép ngày càng giảm.
Bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Toàn tỉnh hiện có trên 198.126 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, rừng đặc dụng trên 41.695 ha, rừng phòng hộ 116.347 ha và rừng sản xuất 40.084 ha. Để thực hiện công tác quản lý, BVR, các cấp ngành, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc thực hiện chính sách giao rừng khoán quản cho các TCĐ nhận bảo vệ đã có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng chí Lê Minh Sang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Phát triển các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua không chỉ giúp hàng nghìn hộ dân tại các vùng đệm phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả, cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mà còn góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, từng bước xã hội hóa trong công tác quản lý, BVR. Đồng thời, giúp các chủ rừng ngăn chặn kịp thời tình trạng đốt nương làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Các TCĐ đã chủ động phân công lịch trực, phối hợp với UBND các xã, kiểm lâm địa bàn xây dựng phương án BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ đó, góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm của người dân trong việc tham gia BVR, thông qua các quy ước, kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, nên rừng được bảo vệ tốt hơn, nâng cao chức năng phòng hộ.
Việc giao rừng khoán quản cho các TCĐ bảo vệ không những được chính quyền địa phương, người dân đồng thuận và thực hiện rất tốt, mà còn giúp các chủ rừng giải quyết được những khó khăn trong công tác quản lý, BVR do thiếu hụt nguồn nhân lực, huy động được sức mạnh tập thể trong việc ngăn chặn nạn phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua đó, hạn chế được tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, giảm số vụ cháy rừng hằng năm, góp phần giảm thiểu tình trạng mất rừng và nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ của rừng từ 42,30% năm 2016 lên 46,85% năm 2021.
Để chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với các mô hình sinh kế đạt hiệu quả, huy động được nguồn lực của người dân trong việc tham gia BVR, theo đồng chí Lê Minh Sang, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phối hợp với các địa phương thực hiện giao rừng khoán quản cho các TCĐ và thực hiện chính sách theo Nghị định số 75/NĐ-CP của Chính phủ; đánh giá các mô hình trồng rừng hiệu quả, mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình sinh kế bền vững để tập trung xây dựng và nhận rộng mô hình sinh kế cho người dân tham gia BVR để đảm bảo tính bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức BVR trong cộng đồng, duy trì lực lượng tại chỗ khi có sự việc xảy ra để cùng đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương bảo vệ tốt diện tích, tính năng phòng hộ của rừng.
Tiến Mạnh