Đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp đáng kể nhất là lĩnh vực chăn nuôi với giá trị sản xuất tăng 8,4% so với cùng kỳ. Sự bứt phá của ngành chăn nuôi đó là nhờ công tác triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn hiệu quả có giá trị kinh tế cao năm 2022 và đến năm 2030 đạt được kết quả bước đầu. Cùng với đó là duy trì các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và lựa chọn một số chuỗi có giá trị kinh tế cao như chuỗi dê, cừu, heo để phát triển; hỗ trợ kết nối cá nhân và doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ cho nông dân; phát triển đàn gia súc, gia cầm, nhất là chăn nuôi gia súc gắn với phát triển đồng cỏ; những mô hình chăn nuôi hiệu quả tiếp tục nghiên cứu xây dựng thí điểm và nhân rộng. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tổng đàn gia súc hiện có 486.045 con, tăng 3,1% so cùng kỳ, vượt 15,7% KH; tổng đàn gia cầm 2.360 nghìn con, tăng 7,1% so cùng kỳ, vượt 4,9% KH. Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng đến tháng 6 ước đạt 19.729 tấn, tăng 14,5% và trứng gia cầm 35,1 triệu quả, tăng 10,5% so cùng kỳ.
Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) trồng bắp đạt năng suất cao. Ảnh: V.Nỷ
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 còn có sự bứt phá về chuyển đổi cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn, triển khai các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật hiệu quả hơn, góp phần để giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 1,46% so với cùng kỳ. Việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Với các giải pháp đồng bộ, nên lĩnh vực trồng trọt tăng so cùng kỳ cả về năng suất và sản lượng. Tính đến ngày 2-6 đã thực hiện chuyển đổi cây trồng 130,5 ha, đạt 24,62% KH; trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 86,5 ha, đất khác 44 ha. Thực hiện sản xuất cánh đồng lớn được 31 cánh đồng lớn/4.241,3 ha, trong đó triển khai mới 1 cánh đồng bắp giống 60 ha tại huyện Ninh Phước. Thực hiện được 57 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, với tổng diện tích 14.267 ha, sản lượng 250.165 tấn.
Điểm sáng đáng kể nữa của ngành Nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 là triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định gắn với công tác chỉ đạo sản xuất hiệu và tổ chức lại khai thác vùng bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Do đó, mặc dù trong điều kiện giá nhiên liệu tăng cao, nhưng hiệu quả sản xuất vẫn đạt khá, số lượng tàu cá tham gia khai thác bình quân chiếm 80% tàu cá toàn tỉnh, tổng sản lượng khai thác đạt 57.069 tấn, tăng 4,4%, giá trị sản xuất lĩnh vực khai thác thủy sản tăng 7,76% so với cùng kỳ. Trong sản xuất giống thủy sản, điểm nhấn là tập trung triển khai Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước; phối hợp với Tập đoàn Minh Phú xây dựng quy hoạch phân khu 1/2000 vùng sản xuất tôm giống chất lượng cao An Hải và Sơn Hải, giá trị sản xuất lĩnh vực sản xuất giống thủy sản tăng 7,76% so với cùng kỳ. Công tác quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản được tăng cường, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản. Triển khai KH mùa vụ, lịch sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh. Ngành chức năng đã triển khai 4 đợt quan trắc môi trường với 26 mẫu giáp xác và 84 mẫu nước cấp tại khu vực sản xuất giống thủy sản để đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo về tình hình dịch bệnh cũng như ô nhiễm môi trường phục vụ hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tổng sản lượng nuôi đến tháng 6 ước đạt 4.628,5 tấn, tăng 0,4% so cùng kỳ.
Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch vụ lúa. Ảnh: NAT
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, nhất là nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia chậm được bố trí, ảnh hưởng chung đến kết quả trồng rừng, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nông dân. Vốn đầu tư ngân sách trung ương cho công tác thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng KH năm 2021 chủ yếu là vốn chuyển tiếp KH năm 2020 chuyển sang. Vốn đầu tư mới giai đoạn 2021-2025 chưa được bố trí theo phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt. Kinh phí thực hiện giao khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 chưa được phân bổ đối với phần diện tích thuộc khu vực II, III ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua.
Để vượt qua khó khăn đảm bảo giá trị sản xuất cả năm tăng 3-4% so với năm 2021, Sở NN&PTNT đề ra giải pháp tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đảm bảo chất lượng, hiệu quả; chỉ đạo sản xuất vụ hè - thu 2022 đạt hiệu quả cao nhất gắn với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản xuất cánh đồng lớn theo KH của UBND tỉnh. Triển khai các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia khai thác kết hợp với bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển; chỉ đạo và hướng dẫn nuôi thủy sản theo các quy trình sản xuất tốt, phòng ngừa dịch bệnh tại các vùng nuôi, tiêu độc khử trùng các ao nuôi khi có bệnh xảy ra.
Anh Tùng