Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại buổi thảo luận về Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, ngày 14-6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phát biểu tại nghị trường, đồng chí Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác PCBLGĐ, nhưng thực tế hiện nay, vấn nạn về bạo lực gia đình vẫn đang diễn biến nghiêm trọng, với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Do vậy, để tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ hơn trong việc PCBLGĐ, Tôi nhất trí cao với việc cần thiết phải sửa đổi Luật PCBLGD.

Đồng chí Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại nghị trường.

Đối với việc sửa đổi lần này, bản thân Tôi quan tâm đến một số vấn đề sau:

1. Về cơ chế đảm bảo thực hiện công tác PCBLGĐ

Tôi cho rằng dự thảo Luật PBBLGĐ (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc ngăn ngừa BLGĐ, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong PCBLGĐ (như về thông tin, truyền thông, giáo dục; tư vấn, hòa giải; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình; quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình…). Việc sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định như dự thảo Luật là rất cần thiết và phù hợp với mục tiêu PCBLGD. Tuy nhiên, để các quy định này có thể thực hiện được trong thực tế (có tính khả thi) thì đòi hỏi phải có cơ chế phù hợp để đảm bảo thực hiện, cụ thể là phải đảm bảo được nguồn lực về tài chính và nhân lực để đảm bảo thực hiện các quy định của Luật PCBLGĐ (sửa đổi). Do đó, Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phải có đánh giá tác động của Luật kỹ hơn và có giải trình cụ thể hơn về tính khả thi đối với các nội dung này.

2. Vấn đề thứ 2 mà Tôi quan tâm đó là vấn đề về thực thi trách nhiệm cụ thể của các cơ quan thực hiện việc hỗ trợ đối với người bị bạo lực gia đình và việc xử lý vi phạm về BLGD.

Thời gian qua đã cho thấy dù chúng ta đã có Luật và PCBLGD, nhưng thực tế khi có hành vi BLGĐ xảy ra thì việc nhận diện và hỗ trợ kịp thời cho người bị BLGĐ còn chưa kịp thời, chưa thật sự hiệu quả. Người bị BLGĐ còn lúng túng chưa biết rõ mình cần “cầu cứu” đến ai, cơ quan có trách nhiệm nào. Cơ quan được người bị BLGĐ báo tin họ bị BLGĐ thực tế cũng lúng túng, đâu đó vẫn còn xem nhẹ, coi đó chỉ là việc riêng của gia đình nên cứ việc “đóng cửa bảo nhau”, vô hình chung làm mất lòng tin của người bị BLGĐ, dẫn đến việc họ tiếp tục chịu đựng BLGĐ hoặc tự phản vệ theo cách tiêu cực để chống trả lại người thực hiện hành vi BLGĐ và nhiều trường hợp đã dẫn đến hậu quả rất nặng nề, rất đáng tiếc, gây bất bình, phẫn nộ cho xã hội (ví dụ như: tình trạng con giết cha, mẹ; vợ chồng giết nhau… vì tâm lý bức xúc, dồn nén lâu ngày của người bị BLGĐ)

Do vậy, việc sửa đổi Luật lần này cần chú trọng quy định cụ thể về trách nhiệm và cơ chế phối hợp trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức…(vì đặc thù của công tác PCBLGĐ đòi hỏi sự phối hợp, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức) trong việc hỗ trợ, xử lý kịp thời các hành vi BLGĐ. Chú trọng quy định rõ các biện pháp xử lý thật cụ thể, phù hợp đối với người có hành vi BLGĐ, tránh tình trạng biện pháp xử lý không kịp thời, không phù hợp, không tương xứng với hành vi vi phạm dẫn đến người thực hiện hành vi BLGĐ có tâm lý coi thường pháp luật, tiếp tục thực hiện hành vi BLGĐ.

3. Vấn đề thứ 3 mà Tôi quan tâm đó là công tác tuyên truyền pháp luật về PCBLGĐ

Tôi cho rằng thời gian qua, việc tuyên truyền về PCBLGĐ có thực hiện nhưng chưa hiệu quả. Tôi nhất trí vì dự thảo Luật sửa đổi lần này bổ sung nhiều quy định về công tác THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG, GIÁO DỤC VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH, trong đó, bản thân Tôi rất tâm đắc về vấn đề giáo dục nhằm chuyển đổi hành vi. Nếu làm tốt công tác này sẽ làm cho nhận thức về pháp luật và xã hội của người dân được nâng lên, mọi người biết được quyền, nghĩa vụ của mình đối với các thành viên của gia đình, tránh tình trạng "nhân danh" (vai trò là ông, bà, cha, mẹ… nên được quyền dạy dỗ con cháu theo cách "thương cho roi cho vọt") hoặc tình trạng "đổ lỗi" (vì thành viên gia đình có lỗi này, lỗi khác nên thành viên khác trong gia đình "được quyền xử lý") dẫn đến hành vi BLGĐ.

Cho nên, việc làm tốt công tác THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG, GIÁO DỤC VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH theo Tôi là rất quan trọng, và nếu Luật sửa đổi lần này đã nhận thấy và có bổ sung quy định cụ thể thì cũng cần phải quy định rõ cơ chế, nguồn lực để đảm bảo thực hiện tốt công tác này trong thực tế.