Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Thuận Bắc được thành lập theo Quyết định số 36/QĐ-NHCS ngày 7-5-2009 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH và đến đầu tháng 7-2009 chính thức đi vào hoạt động, ổn định mô hình tổ chức để triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Khi mới thành lập, PGD huyện nhận bàn giao 7 chương trình tín dụng gồm vốn vay cho: Hộ nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vốn vay cho học sinh, sinh viên; vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; vốn vay cho dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và vốn vay cho xuất khẩu lao động, với tổng số dư nợ chỉ có 51,744 tỷ đồng. Cùng với đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cán bộ từ lãnh đạo đến nghiệp vụ ít lại phải quản lý khối lượng công việc lớn; đặc biệt, đối tượng thụ hưởng chính sách chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo trải dài khắp toàn huyện; kinh nghiệm sản xuất cũng như kiến thức sử dụng vốn của hộ vay chưa tốt, nợ khoanh chiếm tỷ lệ tương đối cao...
Lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Bắc thăm hỏi, động viên hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.
Ông Châu Văn Vé, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Thuận Bắc, cho biết: Triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trước những khó khăn nêu trên, đơn vị đã tập trung nghiên cứu các giải pháp đề xuất, tham mưu cho Ban đại diện - Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, Huyện ủy và UBND huyện ban hành kế hoạch, tăng cường công tác chỉ đạo, phát huy hiệu quả vai trò phối hợp của các phòng, ban liên quan, UBND các xã, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trong thực hiện quản lý vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Cùng với đó, PGD đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ cho 4 tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng ổn định mạng lưới hoạt động tại 6 điểm giao dịch xã và 139 Tổ tiết kiệm và vay vốn, phủ khắp trên địa bàn các thôn. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay; qua đó, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng kịp thời, thuận lợi, bảo đảm công khai, minh bạch.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương; các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng toàn thể cán bộ PGD huyện đã nỗ lực đảm bảo nguồn vốn, giải ngân nhanh chóng cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đặc biệt, công tác lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật luôn được quan tâm, chú trọng, giúp vốn vay phát huy đúng mục đích. Anh Pô Pô Hải, ở thôn Cầu Đá, xã Phước Kháng, chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình chỉ dựa vào 2 sào lúa và 4 con bò sinh sản, nhờ được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng cùng với số tiền tích cóp, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại thả nuôi 200 con gà giống Tam Hoàng kết hợp với buôn bán nhỏ, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 1.000 con giống, giúp gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, nhìn nhận: Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, tín dụng chính sách cũng đã làm thay đổi căn bản nhận thức của hộ vay. Hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn không còn trông chờ và sự hỗ trợ của Nhà nước, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, hình thành nhiều mô hình làm ăn hiệu quả và được nhân rộng cho thu nhập ổn định. Hiện nay, toàn xã có 423 hộ vay vốn, với dư nợ hơn 16,883 tỷ đồng.
Qua thời gian thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đến nay, PGD NHCSXH huyện Thuận Bắc đã chuyển tải một khối lượng lớn vốn tín dụng đến đối tượng thụ hưởng, thông qua 18 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đạt trên 305,775 tỷ đồng/6.661 hộ vay vốn, chiếm 61,2% số hộ trên địa bàn huyện. Qua thực tế chứng minh, nguồn vốn vay của NHCSXH đã góp phần giúp hơn 2.580 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 6.350 lao động; gần 1.100 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 5.577 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ cho 833 nhà ở cho hộ nghèo an cư lạc nghiệp... Thúc đẩy tỷ lệ giảm nghèo toàn huyện từ 4,5-5% mỗi năm. Ngoài ra, 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Những thành tựu mà PGD NHCSXH huyện Thuận Bắc đạt được qua thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trong những năm qua rất đáng khích lệ, quy mô hoạt động được mở rộng, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội không ngừng được khẳng định. Ghi nhận kết quả đạt được, năm 2019-2020, PGD được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc góp phần hoàn thành nhiệm vụ ngành Ngân hàng và được Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ năm 2021.
Hồng Lâm