Cấp mã số vùng trồng - Giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đã triển khai công tác hỗ trợ cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh, qua đó đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.

MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc, đây là điều kiện bắt buộc trước khi nông sản xuất khẩu. Theo báo cáo của Chi cục TT&BVTV, công tác hỗ trợ cấp MSVT luôn được đơn vị xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung thực hiện. Hằng năm, Chi cục đều chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, mở các lớp tập huấn về MSVT, hướng dẫn các nông hộ áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ghi chép nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc; khuyến khích các hộ nông dân liên kết sản xuất theo quy mô hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm nông sản.

Từ năm 2021 đến nay, Chi cục TT&BVTV đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị Cục BVTV cấp MSVT cho một số sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, ngày 6-12-2021, Chi cục tiếp nhận hồ sơ của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt về đề nghị cấp MSVT nha đam tại xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) với diện tích 9 ha. Sau khi tiếp nhận hồ sơ của Công ty, Chi cục đã thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra trực tiếp vùng trồng nha đam. Kết quả, Công ty đã đáp ứng đầy đủ hồ sơ, thủ tục; có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm sản xuất, bố trí nơi không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây ô nhiễm sản phẩm; có hệ thống giao thông đáp ứng theo yêu cầu; có thùng, bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV; có quy trình sản xuất; sổ nhật ký canh tác ghi chép đầy đủ và chi tiết. Qua báo cáo kết quả của đoàn kiểm tra, ngày 31-12-2021, Cục BVTV đã ban hành Công văn số 2545/BVTV-HTQT về việc “Mã số vùng trồng nha đam xuất khẩu”, đã cấp mã số EX-NTOR-0001NHADAM cho vùng trồng nha đam tại xã Bắc Sơn cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt.

Dưa lưới sản xuất tại Thôn 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam) vừa được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: A.Tùng

Không dừng lại đó, nỗ lực của Chi cục TT&BVTV, cùng với quyết tâm nâng cao giá trị hàng nông sản của các doanh nghiệp, nông hộ, từ đầu năm 2022 năm đến nay, Cục BVTV cũng đã cấp 4 MSVT, gồm: MSVT chanh không hạt LA.32.01.01.001.ENG xuất khẩu sang Anh và mã số LA.32.01.01.001.RUSS xuất khẩu sang Nga, với diện tích 23,3 ha, sản xuất tại tại xã Lương Sơn (Ninh Sơn) cho Công ty TNHH MTV THE FRUIT REPUBLIC Cần Thơ; MSVT măng tây xanh tại thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) với diện tích 30 ha cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố; MSVT dưa lưới tại Thôn 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam) với diện tích 1,3 ha cho Công ty TNHH Fara Farm.

Sau khi được cấp MSVT, các doanh nghiệp đã không ngừng cải tiến, ứng dụng công nghệ cao, máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt là đơn vị chế biến sản phẩm nha đam có công suất lớn nhất tại Việt Nam, thị trường xuất khẩu đến 20 quốc gia hàng đầu trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, các nước Trung Đông. Công ty hiện có 2 phân xưởng sản xuất chính, 3 phân xưởng bảo quản sản phẩm và 1 phân xưởng bảo quản nguyên liệu để sản xuất, với công suất thiết kế 15-20 tấn lá nha đam tươi/giờ và hiện đang sản xuất 120-180 tấn nguyên liệu tươi/ngày. Để sản phẩm nha đam đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, Công ty xây dựng các phương án đầu tư sản xuất nguồn nguyên liệu phong phú tiêu chuẩn VietGAP, Global, nâng cấp cải tiến máy móc, thiết bị và cải tiến công nghệ xử lý sản phẩm tự động, áp dụng sản xuất sạch trong dây chuyền chế biến nha đam. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chương trình quản lý chất lượng tiên tiến đã giúp Công ty có những bước tiến mới trong chế biến sản phẩm từ cây nha đam, tạo ra những sản phẩm có giá trị về dinh dưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc cấp MSVT đã mở “cánh cửa” cho nông sản Ninh Thuận vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, công tác cấp MSVT trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do đa số nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với quy mô nông hộ, trong khi yêu cầu để được cấp MSVT phải có diện tích từ 10 ha trở lên. Phần lớn nông dân chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của MSVT, chưa ghi chép đầy đủ nhật ký quá trình canh tác, sinh vật gây hại, bón phân, sử dụng thuốc BVTV, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm theo quy định. Một số doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự chủ động liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để đẩy mạnh xuất khẩu và giữ vững, nâng cao chất lượng nông sản.

Trong thời gian tới, để công tác cấp MSVT đi vào thực chất và hiệu quả hơn, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng, Chi cục TT&BVTV sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, bố trí nguồn lực thực hiện công tác thiết lập và quản lý vùng trồng; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV, áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng, duy trì chất lượng của vùng trồng đã được cấp mã số.