Nội dung Kế hoạch như sau:
Mục đích
- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua học tập thường xuyên, suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn cấp xã dựa trên những thành quả thực hiện Đề án 281 giai đoạn 2014 – 2020, vận dụng sáng tạo những bài học đã có và phát huy hơn nữa tinh thần thi đua xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân.
- Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương theo Quyết định số 387/QĐ-TTg.
Yêu cầu
- Xác định đầy đủ, cụ thể lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg; phân công trách nhiệm thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ các đơn vị; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các đơn vị trong triển khai nhiệm vụ.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập.
- Tập trung nâng cao chất lượng các mô hình học tập trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện Chương trình; tăng cường năng lực kỹ thuật số của mọi thành viên trong các mô hình học tập phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Trường TH Từ Tâm 1 ở xã Phước Hải (Ninh Phước) ứng dụng công nghệ số để dạy cho học sinh. Ảnh: Văn Nỷ
Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu:
1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình; tham gia tập huấn do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức; triển khai tổ chức tập huấn Chương trình đến cán bộ các cấp Hội Khuyến học và phổ biến, tuyên truyền nội dung đến hội viên.
2. Phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học Việt Nam và các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình:
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tác động và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”;
Phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đánh giá việc phát triển văn hóa đọc trong gia đình, cộng đồng và việc xây dựng xã hội học tập gắn với Chương trình chuyển đổi số quốc gia;
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc đánh giá các mô hình học tập hiệu quả gắn kết với việc xây dựng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” trên địa bàn tỉnh;
Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phát động cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài; lồng ghép các tiêu chí xây dựng các mô hình học tập vào tiêu chí công nhận phong trào xây dựng “Nông thôn mới, đô thị văn minh”;
3. Rà soát, xây dựng, sửa đổi, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá các mô hình học tập hiệu quả, gắn với xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân được tiếp cận hoặc tạo ra những cơ hội học tập cho mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp người lao động trong các thành phần kinh tế.
4. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở tổ chức Hội, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lớn;
Xây dựng phần mềm nhằm số hóa và triển khai thực hiện trên nền tảng công nghệ số việc thu thập minh chứng, cho điểm, đánh giá, tổng hợp, báo cáo... việc thực hiện các Bộ tiêu chí xây dựng các mô hình học tập.
5. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập trong nền kinh tế số, xã hội số thông qua báo đài, các phương tiện truyền thông trung ương và địa phương.
Vận động cán bộ, hội viên Khuyến học tham gia đặt mua Tạp chí “Công dân và Khuyến học” nhằm tuyên truyền hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội Khuyến học các cấp;
Tham gia cung cấp số liệu cho trang thông tin điện tử của Hội Khuyến học Việt Nam trên cơ sở kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu về tài nguyên thông tin thư viện, Hệ tri thức Việt số hóa và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác... giúp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nâng cao hiểu biết cho cán bộ hội, hội viên khuyến học và người dân về các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập.
6. Xây dựng kế hoạch tài chính, đảm bảo cân đối chi từ ngân sách và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình mà Chính phủ giao.
7. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Chương trình; đề xuất về thi đua, khen thưởng, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ trì Đề án tổng thể “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
8. Hằng năm, tổ chức đánh giá, xếp loại và công nhận các mô hình học tập theo các tiêu chí đã ban hành. Tổ chức sơ kết thực hiện Chương trình vào Quý I năm 2026 kết hợp với Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu lần thứ 2 giai đoạn 2021-2025.
1. Giai đoạn 2021-2025
Căn cứ vào các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đã được giao trong Chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xác định mức độ cần đạt của các chỉ số qua các năm 2022, 2023, 2024 và 2025; phấn đấu đến Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg vào đầu năm 2026, toàn bộ các chỉ tiêu được hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
2. Giai đoạn 2026-2030 (Sẽ có Kế hoạch cụ thể sau)
1. Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến học các huyện, thành phố, Hội Khuyến học cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg theo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao.
2. Góp ý, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện Bộ tiêu chí các mô hình học tập (phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước) để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
3. Tham gia tổ chức Hội nghị, Hội thảo quốc gia về xu thế phát triển học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập, xã hội học tập... trong thế giới chuyển đổi số và phát triển bền vững.
4. Quý II/2030: Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến học các huyện, thành phố, Hội Khuyến học cơ sở tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”. Báo cáo tổng hợp kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung ương Hội trước tháng 8/2030.
5. Quý IV/2030: Tham gia Hội nghị tổng kết Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030” hướng về Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc lần thứ III.
Về tổ chức thực hiện:
1. Hội Khuyến học tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội để triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn Hội Khuyến học các cấp triển khai tổ chức thực hiện Chương trình tại địa phương mình;
Tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí theo hướng nâng cao chất lượng các mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”và “đơn vị học tập”;
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động và hiệu quả triển khai Chương trình của các địa phương; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; tổng hợp, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh đánh giá tác động và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”;
Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học các huyện, thành phố tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá công nhận các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn cấp xã.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương và hệ thống thông tin cơ sở, tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đánh giá việc phát triển văn hóa đọc trong gia đình, cộng đồng và việc xây dựng xã hội học tập gắn với Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến họctỉnh trong việc đánh giá mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, gắn kết với việc xây dựng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.
5. Sở Tài chính
Bố trí kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật.
6. Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung ứng các chương trình học tập suốt đời; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và người lao động trong đơn vị được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tích cực tham gia xây dựng các mô hình học tập;
Tổ chức lồng ghép việc thực hiện Chương trình với quá trình triển khai thực hiện các chương trình, đề án khác liên quan (xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình, tổ dân phố, làng bản văn hóa...).
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Có trách nhiệm bố trí ngân sách để thực hiện mục tiêu của Chương trình tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan liên quan ở địa phương phối hợp với Hội khuyến học cùng cấp triển khai có hiệu quả Chương trình trên địa bàn;
Chỉ đạo các cơ quan thông tin - truyền thông của địa phương tổ chức tuyên truyền về xã hội học tập, học tập suốt đời, về giáo dục người lớn và về các mô hình học tập trong Chương trình;
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo phối hợp với Hội khuyến học kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai các mô hình học tập và ra quyết định công nhận các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội có liên quan
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài; lồng ghép các tiêu chí xây dựng các mô hình học tập vào tiêu chí công nhận “Nông thôn mới”, “đô thị văn minh”, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác;
Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội có liên quan phối hợp với Hội khuyến học tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập cũng như các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030”. Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg và các nhiệm vụ tại Kế hoạch này đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ theo yêu cầu; định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hằng năm gửi báo cáo kết quả về Hội Khuyến học tỉnh Ninh Thuận để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Khuyến học Việt Nam theo quy định.
NT