I. AN TOÀN TRONG LẮP ĐẶT CÁC TẤM PIN QUANG ĐIỆN VÀ THỰC HIỆN ĐẤU NỐI LƯỚI ĐIỆN
1. Tuân thủ các quy chuẩn, quy phạm, quy trình, tiêu chuẩn về điện, về phòng cháy chữa cháy trong thiết kế, xây dựng, lắp đặt và trong quản lý vận hành.
2. Không bố trí tấm pin quang điện trong xung quanh lối ra các mái, cầu thang bộ.
3. Không được lắp đặt tấm pin trên các mái làm bằng vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng vật liệu hoàn thiện có đặc tính như chất gây cháy, nổ.
4. Hệ thống tấm pin quang điện và hệ thống giá đỡ phải được tiếp địa an toàn. Bộ phận kim loại phải được kết nối với tiếp địa hệ thống chống sét ở điểm cao nhất và điểm thấp nhất của hệ thống.
5. Hệ thống dây dẫn nguồn DC, AC phải được chống sét lan truyền đầy đủ nhằm đảm bảo bảo vệ các thiết bị điện tử tăng điện áp đột biến.
6. Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt cao trên 20m cần phải có ít nhất 02 dây dẫn tiếp địa cách nhau khoảng cố định và đảm bảo an toàn.
7. Hệ thống điện mặt trời phải được trang bị các thiết bị ngắt khẩn cấp; thiết bị này cần bố trí cả ở vị trí inverter và vị trí tủ đóng cắt. Tại các vị trí này phải niêm yết hướng dẫn, quy trình vận hành.
8. Tại khu vực gần lối đi lên giàn/mái phải bố trí các sơ đồ bố trí tấm pin quang điện trên giàn/mái và sơ đồ đấu nối hệ thống để phục vụ việc ngắt kết nối các tấm pin trên giàn/mái khi có sự cố và phục vụ công tác chữa cháy.
9. Chi tiết đi dây, đi trong máng/ống che và đấu nối điện năng lượng mặt trời:
• Kiểm tra các cực âm dương của tấm pin quang điện để tiến hành đấu nối đấu nối tiếp hay đấu song song sao cho chính xác, tránh nhầm lẫn gây ngắn mạch.
• Kiểm tra vệ sinh các mối nối, không để hở điện, rò điện và ẩm ướt.
• Các mối nối khi đấu nối cần phải sạch, không ẩm ướt. Mối nối tốt nhất là dùng cầu đấu hoặc bóp, ép đầu cốt, quấn bọc băng keo điện.
• Nhất thiết phải tiếp đất và lắp chống sét DC cho giàn pin mặt trời.
10. Sơ đồ đơn tuyến: Hệ thống điện mặt trời hòa lưới Điện lực
Theo sơ đồ như trên, các tấm pin năng lượng mặt trời chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành dòng điện 1 chiều, được biến đổi thành dòng điện xoay chiều bằng thiết bị Inverter hòa lưới, sau đó điện xoay chiều được kết nối với lưới điện.
Tại vị trí đấu nối, hòa lưới Điện lực: Phải lắp đặt thiết bị đóng cắt CB/ Cầu dao (phía sau Công tơ Điện lực, sau bộ Inverter của khách hàng) để cô lập nguồn điện khi xảy ra rủi ro bất ngờ xuất hiện trong các trường hợp:
• Đảm bảo an toàn cho khách hàng trong quá trình sửa chữa, bảo trì Hệ thống nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo của khách hàng.
• Đảm bảo an toàn cho người công nhân Điện lực trong quá trình thực hiện công tác sửa chữa, bảo trì lưới điện tại các vị trí có đấu nối với hệ thống nguồn năng lượng mặt trời của khách hàng.
II. AN TOÀN TRONG QUÁ TRÌNH VẬN HÀNH, SỬ DỤNG
1. Nguyên nhân và biện pháp phòng chống cháy nổ
Nguyên nhân gây ra chạm chập điện, cháy nổ
• Quá trình sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời có thể gặp rủi ro và gây ra chạm chập, cháy nổ. Trong quá trình vận hành, sự cố cháy nổ thường hình xuất phát từ 2 nguyên nhân là “lỗi thiết bị” hoặc “năng lực lắp đặt yếu kém”, trong đó gốc rễ gây ra hiện tượng cháy thường là do hiện tượng phóng điện hồ quang tại bộ phận nguồn, thiết bị DC.
• Lỗi và hỏa hoạn do sự phóng điện hồ quang DC có thể xảy ra tại bất cứ điểm nào trong hệ thống dây điện cao thế DC trên hệ thống điện mặt trời thông thường. Hệ thống dây điện này chạy từ các tấm module pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xuống đến các bộ biến tần chuỗi (string inverter) – lắp đặt liền kề với bảng mạch điều khiển.
• Có khoảng 50 khớp nối trong mạch DC của một hệ thống điện mặt trời dân dụng 5kW. Tất cả các kết nối này đều được thực hiện bởi các đơn vị lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời không chuyên – tiềm ẩn khả năng gây ra lỗi trong quá trình hệ thống vận hành. Ngoài ra còn có một số kết nối khác bên trong các module pin năng lượng mặt trời và bộ biến tần cũng là những điểm tiềm ẩn gây nên sự cố.
Các yếu tố tác động dẫn đến phóng điện hồ quang DC:
• Động vật (côn trùng, chuột, thú nuôi, chim, …) làm hỏng cáp.
• Thiên tai (lốc xoáy, lũ lụt, gió lớn, mưa đá).
• Do sự cố không mong muốn trong thi công lắp đặt (dẫm hoặc bò qua dàn mái, khoan xuyên tường, va chạm trong khi lau chùi, …).
• Bị ngấm nước do các phụ kiện kém chất lượng hoặc hỏng như nhựa, ống dẫn, gioăng cao su, …
• Lỗi của khớp nối và vỏ nhựa do tiếp xúc với tia cực tím; đường dây điện từ các tấm quang năng điện đến inverter bị bong tróc hoặc jack cắm thi công không đảm bảo, bị lỏng lẻo tiềm ẩn rủi ro cao vấn đề cháy, nổ từ các tấm quang điện.
• Độ ẩm tích tụ lâu này trong các thiết bị do thời tiết.
Biện pháp ngăn chặn cháy, nổ hệ thống điện mặt trời:
• Bố trí tấm pin, đường dây và các thiết bị của hệ thống điện mặt trời không được làm cản trở lối tiếp cận đến các hệ thống PCCC của công trình, dây dẫn phải bọc trong ống, không chạm vào kết cấu kim loại.
• Đặt bộ inverter, bảng điều khiển trung tâm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc với các vật dụng dễ cháy, phòng kín.
• Tủ điện phải được bảo bệ bằng các CB/Aptomat chuyên dụng, các nguồn điện phải có hệ thống chống sét lan truyền trên đường dây.
• Các đấu nối phải được bọc dán kín, bấm đầu cos trước khi vận hành.
• Hệ thống tiếp địa an toàn, tách riêng với hệ thống tiếp địa chống sét của nhà, nhà xưởng, tòa nhà… không đấu nối trực tiếp hệ thống tiếp địa với hệ thống chống sét, tránh tình trạng dòng sét cao sẽ làm cho tấm pin và inverter hỏng.
• Bảo trì, bảo dưỡng định kỳ hệ thống để kiểm tra các mối nối, chất lượng của các thiết bị phụ trong hệ thống năng lượng mặt trời, đảm bảo vận hành theo tiêu chuẩn.
2. Biện pháp phòng tránh tai nạn phóng điện và đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai, gió bão, lốc xoáy…
• Tuân thủ Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, Nghị định 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014; Thông tư 05/2021/TT-BCT ngày 02/8/2021 của Bộ Công Thương Quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện.
• Không xây dựng khung, giàn mái Hệ thống Pin năng mặt trời gần, bên dưới hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
• Các tấm pin quang điện lắp đặt trên giàn/mái nhà cần được chia thành từng nhóm hoặc dãy và phải cố định chắc chắn vào khung giàn trên mái. Cần khảo sát, thiết kế và thi công hệ thống khung giàn, giá đỡ tấm pin, kết cấu khung giàn mái phải lắp đặt chịu lực theo các cấp độ gió bão.
• Kiểm tra định kỳ: Sau khi trải qua mưa gió, dông lốc… nên kiểm tra tình trạng mái nhà và hệ thống điện mặt trời để đảm bảo các tấm pin quang điện không xảy ra hư hỏng.
• Khi có mưa dông, nên kiểm tra tất cả các thiết bị điện trong nhà, lập tức rút các nguồn điện chưa cần sử dụng, nhất là các thiết bị như máy tính, tivi, điện thoại đang sạc, ấm siêu tốc… Đây là lưu ý chung để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo.
III. AN TOÀN CHO CÔNG NHÂN ĐIỆN LỰC KHI CÔNG TÁC TRÊN LƯỚI ĐIỆN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN VỊ TRÍ NGUỒN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI… ĐẤU NỐI VÀO LƯỚI ĐIỆN
Hệ thống điện mặt trời 1 pha, 3 pha đấu nối, hòa vào lưới Điện lực:
Để đảm bảo an toàn cho người công nhân Điện lực khi làm việc trên thiết bị/đường dây có đấu nối vào nguồn điện năng lượng mặt trời, các nguồn năng lượng khác…, Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn về điện, trong đó có một số biện pháp cần phải có sự hợp tác, hỗ trợ của Quý khách hàng liên quan, như sau:
1. Khi cắt điện để thực hiện công tác trên thiết bị, đường dây cao áp, hạ áp… phải có nối đất di động trên dây dẫn, thanh cái ngay tại vị trí làm việc. Trong quá trình tổ chức công tác, cần phải lưu ý và triển khai thực hiện các biện pháp an toàn, phòng tránh tai nạn rủi ro do thiết bị hòa đồng bộ bị sai lệch, bất ngờ bị hư hỏng, không tác động hoặc tác động với thời gian chậm/trễ… hoặc có trường hợp khách hàng có sử dụng thêm nguồn điện từ máy phát điện riêng gây ảnh hưởng đến bộ Inverter:
Khi người công nhân Điện lực làm việc ngay tại vị trí trụ điện có đường dây nhánh rẽ đấu nối với nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng khác… phải thực hiện các biện pháp cô lập nguồn điện năng lượng này ra khỏi dây nhánh rẽ hạ áp 1 pha/3 pha…, như: cắt dao cách ly, cắt CB/ Cầu dao sau công tơ Điện lực tại vị trí đấu nối hòa lưới…
Theo đó, để thực hiện biện pháp an toàn như trên, Điện lực rất cần khách hàng phối hợp trong thao tác cắt CB/ Cầu dao ở phía sau công tơ Điện lực/ phía đầu ra của bộ Inverter… tại vị trí đấu nối hòa lưới ở hình minh họa như trên… và khách hàng không tự ý đóng lại CB/Cầu dao này khi chưa có sự thống nhất với đơn vị công tác Điện lực.
2. Trong quá trình khảo sát hiện trường, các bên (Điện lực sẽ kiểm tra, xác định rõ tại vị trí làm việc có đấu nối với nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng khác… để liệt kê, đưa vào Biên bản khảo sát hiện trường về các biện pháp an toàn nêu trên.
3. Các Điện lực sẽ thường xuyên phối hợp với khách hàng để tổ chức cập nhật, thống kê danh sách các khách hàng có đấu nối các nguồn năng lượng vào lưới điện. Bảng thống kê này phải có đầy đủ các thông tin, như: tên khách hàng, vị trí trụ điện, trạm điện, số/chỉ danh công tơ… và được cập nhật ngay sau khi có thay đổi, đồng thời phổ biến, treo/niêm yết tại Đội/Tổ sản xuất, tại Trực ban/Trực ca vận hành Điện lực.
Tổng công ty Điện lực Miền Nam