Ngày Môi trường Thế giới (5-6)

“Rừng – giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”

(NTO) Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề: “Rừng – Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” với mục tiêu thúc đẩy việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tất cả các loại rừng, phòng chống phá rừng và chống suy thoái rừng. Phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với lãnh đạo các cơ quan hữu quan xung quanh vấn đề về quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ở tỉnh ta.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC HƯỞNG ỨNG NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI

Ông Lê Huyền, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống, nguyên nhân và tác hại của biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái rừng gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và sức khoẻ con người, những lợi ích rừng mang lại cho cuộc sống con người. Vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm năng lượng; hạn chế nguyên liệu, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu; tăng cường công tác giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực công cộng và khu dân cư; khuyến khích người dân tham gia phong trào trồng cây phủ xanh những khu vực công cộng, đất trống, đồi trọc. Phát động phong trào, trồng chăm sóc và bảo vệ cây xanh; Mit-tinh tổ chức các cuộc thi, triển lãm, xây dựng phim phóng sự, treo băng-rôn, áp phích chủ đề về môi trường và các hoạt động khác hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6).

BẢO VỆ RỪNG LÀ BẢO VỆ LỢI ÍCH CỦA CON NGƯỜI

Đó là thông điệp của ngành Kiểm lâm tỉnh trong ngày Môi trường thế giới năm nay. Trao đổi với phóng viên Báo Ninh Thuận, ông Nguyễn Hữu Hoán, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, vấn đề bảo vệ rừng cần có sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương nhằm xây dựng các giải pháp tổng thể về bảo vệ và phát triển rừng. Để ý thức bảo vệ rừng trở thành hành động thiết thực, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; lợi ích của rừng và tác hại của việc phá rừng trong trường học và ngoài cộng đồng. Theo ông Nguyễn Hữu Hoán, điều kiện kinh tế có ảnh hưởng lớn đến ý thức bảo vệ rừng của người dân. Chính vì vậy, song song với hoạt động tuyên truyền, chính quyền địa phương cần có chính sách định canh định cư nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, nâng cao ý bảo vệ rừng của người dân.

TUYÊN TRUYỀN PHÁT TRIỂN RỪNG PHẢI GẮN VỚI ĐỊA PHƯƠNG

Ông Phạm Thiều, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN-PTNT) khẳng định: muốn nâng cao hiệu quả của việc phát triển rừng hiện nay cần gắn hoạt động tuyên truyền với từng địa phương. Làm sao để cộng đồng cùng tham gia vào hoạt động khôi phục và phát triển rừng. Người dân sẽ nhận thức được tầm quan trọng của rừng, lợi ích hợp pháp khi tham gia vào công tác phát triển rừng từ đó sẽ hạn chế được tình trạng phá rừng làm nương rẫy, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc mất rừng hiện nay ở tỉnh ta. Thực tế cho thấy, nơi nào xây dựng các mô hình lâm nghiệp có hiệu quả thì nơi đó rừng được quản lý, bảo vệ tốt. Từ Dự án trồng mới 5 triệu ha trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1998-2010, kinh nghiệm dễ thấy nhất đó là công khai quyền lợi của người dân, đặc biệt là bà con vùng núi, trong việc vận động tham gia chương trình. Từ đó, thường xuyên cùng địa phương tổ chức những cuộc họp dân, tập huấn chuyên môn về kiến thức khi triển khai trồng mới rừng. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tham mưu với sở về kế hoạch tuyên truyền phối hợp với các đơn vị, sở ngành và địa phương cùng tham gia vào việc phát triển rừng. Cả cộng đồng sẽ cùng tham gia vào hoạt động này.

Thực hiện dự án Trồng mới 5 triệu hécta rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 1998-2010, toàn tỉnh đã trồng mới được gần 14 ngàn ha rừng, đã giao khoán bảo vệ trên 618 ngàn lượt ha rừng các loại, thực hiện khoanh nuôi trên 17 ngàn ha. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, tính đến cuối năm 2010, tỉnh ta có gần 150 nghìn ha đất rừng với độ che phủ rừng là 43,6%.