Để triển khai toàn diện, có hiệu quả Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12-4-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025; đồng thời, tạo sự đồng thuận xã hội để triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm giai đoạn 2021-2025; ngày 28-5-2022, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 310/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết trên.
Kế hoạch đặt mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Chỉ tiêu cụ thể là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 10-11%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng các ngành: nông, lâm, thủy sản 3-4%/năm; công nghiệp - xây dựng 17-18%/năm; dịch vụ 10-11%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, quy mô nền kinh tế tăng 1,9 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 113-115 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 18-19%; công nghiệp - xây dựng chiếm 42-43%; dịch vụ 39-40%.
Nông dân thu hoạch lúa ở xã Phước Hữu (Ninh Phước). Ảnh: Phan Bình
Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 10-11%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 100-105 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn các thành phần kinh tế và dân cư chiếm khoảng 82-83%. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 20%. Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 44-45% GRDP. Giảm tối thiểu 10% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên.
Phấn đấu đến năm 2025 có 7.500 doanh nghiệp; đến hết năm 2025 có khoảng 129 hợp tác xã, trong đó có khoảng 10% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, Kế hoạch nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Theo đó, nhiệm vụ thứ nhất là tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thứ hai là phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thứ ba là phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng nêu rõ nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, các đơn vị ngành dọc cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và bổ sung vào kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và kế hoạch phát triển KT-XH 2021-2025 của từng ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các sở, ban, ngành, địa phương kịp thời có văn bản đề xuất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Trần Duy