Niềm vui ổn định việc làm tại quê hương

Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trong các đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19, toàn tỉnh có 14.000 lao động (LĐ) từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về. Đến nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, phần đông LĐ đã quay trở lại nơi làm việc cũ, nhưng cũng không ít LĐ lựa chọn công việc ổn định tại quê nhà.

Chị Dương Thị Trùm, ở thôn Hòa Thủy, xã Phước Hải (Ninh Phước) có hơn 5 năm làm việc tại một công ty may ở tỉnh Bình Dương. Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, chị Trùm buộc phải hồi hương tránh dịch. Về quê, đồng nghĩa với khoản thu nhập không còn, cuộc sống của cả nhà cũng trở nên khó khăn hơn. Rất may, với thâm niên và trình độ tay nghề của mình, chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã tìm được công việc mới tại một công ty may gần nhà. Chị Trùm chia sẻ: Làm việc ở quê với thu nhập hằng tháng giảm gần một nửa so với làm ở Bình Dương nên ban đầu tôi cũng phân vân. Tuy nhiên, sau khi tính toán thì tôi thấy mức lương tuy thấp, nhưng mức chi tiêu ở quê cũng thấp, lại được làm việc gần nhà, gần gia đình, việc học hành của con cái cũng ổn định hơn nên tôi đã quyết định “an cư lạc nghiệp” tại quê hương.

Lao động hồi hương ổn định việc làm tại Công ty Cổ phần May Ninh Phước. Ảnh: Minh Thương

Từ khi chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng đã mạnh dạn đẩy mạnh sản xuất, phục hồi kinh tế trở lại. Nhu cầu tuyển dụng LĐ để mở rộng sản xuất vì thế cũng tăng cao, cơ hội việc làm cho những LĐ hồi hương cũng trở nên khả quan hơn. Ông Huỳnh Nguyên Quang, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần May Ninh Phước cho biết: Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh nhưng đồng thời lại mở ra cơ hội để công ty tuyển dụng được số lượng lớn LĐ có tay nghề từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về. Do đó, chúng tôi hết sức tạo điều kiện để thu hút người LĐ; tất cả những chính sách lương, thưởng, phúc lợi đều đặc biệt ưu tiên cho những những đối tượng LĐ này, giúp họ yên tâm ở lại làm việc tại quê hương, gắn bó với công ty lâu dài.

Chỉ tính riêng quý I-2022, trong số 14.000 LĐ về quê, đã có gần 6.000 người quay trở lại làm việc, trong đó có trên 2.100 người tìm được việc làm tại các DN trong tỉnh. Những LĐ chưa tìm được việc làm cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội để ổn định cuộc sống tại quê hương thông qua những sàn giao dịch và kênh “ATM việc làm”. Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thông tin: Trung tâm đã thực hiện kết nối 280 DN trong và ngoài tỉnh với trên 41.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng, giúp LĐ trong tỉnh sớm ổn định việc làm sau đại dịch. Quá trình tư vấn, giới thiệu việc làm, nhiều người LĐ ưu tiên lựa chọn những cơ hội việc làm tại các DN trong tỉnh, không như trước đây thường có xu hướng vào Nam làm việc do chế độ lương, thưởng hấp dẫn hơn. Đây là cơ hội giúp các DN địa phương tuyển dụng số lượng lớn LĐ để phục hồi và từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Trở về nhà sau một ngày LĐ, niềm vui lớn nhất với những công nhân như chị Trùm là được sum vầy với gia đình, yêu thương, vỗ về đứa con gái nhỏ. Niềm vui nghe có vẻ giản đơn nhưng lại là điều xa xỉ với chị trong suốt thời gian dài phải làm việc xa quê. Về quê làm việc, thu nhập ít hơn, bữa ăn có thể đạm bạc hơn, mọi chi tiêu trong gia đình cũng phải tính toán lại, nhưng ít ra, sống ở quê, làm ở quê, được gần gũi với người thân, chị Trùm cũng như nhiều LĐ khác vơi bớt những vất vả, lo toan, yên tâm ổn định cuộc sống.