Xã Phước Kháng Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế

Với mục tiêu từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, trong những năm qua, Đảng bộ xã Phước Kháng (Thuận Bắc) luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh để tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, tạo động lực đẩy nhanh quá trình giảm nghèo tại địa phương.

Phước Kháng là xã miền núi đặc biệt khó khăn, toàn xã hiện có 622 hộ dân, với gần 100% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, đất canh tác chủ yếu là đất rừng, đồi núi và thường xuyên bị tác động bởi nắng hạn là những trở ngại lớn trong việc tìm các giải pháp để phát triển sản xuất ổn định. Đồng chí Chamaléa Biên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Kháng, cho biết: Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế trước những khó khăn trên, hằng năm, Đảng ủy xã đều ban hành các nghị quyết chuyên đề sát với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể; đồng thời, phân công cho từng cấp ủy phụ trách các thôn, cán bộ, đảng viên bám sát cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đề xuất linh hoạt các giải pháp để có hướng điều chỉnh, tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Cùng với đó, chỉ đạo UBND xã, Mặt trận, các hội, đoàn thể nâng cao vai trò phối hợp, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế của người dân; kết hợp với nguồn lực phân bổ của cấp trên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng hiệu quả các mô hình kinh tế gắn với áp dụng khoa học- kỹ thuật làm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.

Nông dân xã Phước Kháng canh tác lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm” cho năng suất đạt 4,5-5 tạ/sào.

Dựa vào nguồn nước từ hồ Bà Râu và hệ thống kênh mương kiên cố trên 2,3 km, nhiều loại cây trồng, vật nuôi chủ lực được xã quy hoạch, bố trí phù hợp theo thế mạnh ở từng khu vực. Ngoài việc tổ chức sản xuất ổn định 2 loại cây trồng chính là lúa và bắp, với diện tích 326 ha, những diện tích xa nguồn nước tưới, xã chủ trương vận động bà con trồng cây ăn quả như mít, xoài, mãng cầu trên các triền núi, vùng đất dốc khoảng 91 ha, trồng tre lấy măng 50 hộ/16 ha. Ngoài ra, địa phương cũng đã chủ động thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng ngắn ngày ứng phó với hạn, thu hút được nhiều nông hộ tham gia. Trong chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm tiếp tục duy trì ổn định và có xu hướng phát triển mạnh, với trên 12.700 con. Từ năm 2015 đến nay, xã đã huy động gần 3,4 tỷ đồng, đầu tư thực hiện 10 dự án chăn nuôi cho 437 hộ gia đình, đem lại thu nhập ổn định. Mô hình chăn nuôi dưới tán rừng tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Đảng bộ xã cũng đã triển khai và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người nghèo như: Chính sách khai hoang cấp đất canh tác, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; khuyến khích người dân mở rộng các ngành, nghề khác nhau để nâng cao thu nhập. Điển hình như hộ anh Pô Pô Hải, ở thôn Cầu Đá, kinh tế trước đây chỉ dựa vào 2 sào lúa và 4 con bò sinh sản, từ khi Đảng ủy xã có chủ trương khuyến khích người dân chuyển hướng chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô trang trại, gia trại và hàng hóa, gia đình mạnh dạn vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng số tiền tích lũy, anh đầu tư xây dựng chuồng trại bài bản, thả nuôi 200 con gà giống Tam Hoàng kết hợp với buôn bán nhỏ, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 1.000 con giống; nhờ chuyển hướng phát triển kinh tế, giúp gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Với sự lãnh đạo sâu sát của Đảng ủy xã, sự điều hành, chỉ đạo kịp thời của chính quyền, hoạt động sản xuất trên địa bàn có những chuyển biến nhất định. Tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt từ 750-780 tấn, bảo đảm nhu cầu đời sống của người dân, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4-5% mỗi năm.

Đồng chí Chamaléa Biên, cho biết thêm: Mặc dù kinh tế có bước phát triển nhưng chưa thật sự bền vững, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và nhân rộng các mô hình có hiệu quả vẫn còn thấp. Trước yêu cầu đặt ra và để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế địa phương trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Đảng bộ xã tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Sử dụng hợp lý nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.